Đầu tư công trong nước còn dàn trải, thiếu tập trung

Ngày 3/5, tại Hà Nội, Hội thảo Tái cấu trúc đầu tư công và doanh nghiệp Nhà nước, do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức tại Hà Nội đã thu hút hơn 100 nhà khoa học và chuyên gia kinh tế đã tham gia.

 

Hội thảo thu hút hơn 100 nhà khoa học và chuyên gia kinh tế. (Ảnh:A.N)

Hội thảo đã đề cập đến 2 nội dung quan trọng nhất của cả đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam là tái đầu tư công và doanh nghiệp Nhà nước. Đối với lĩnh vực đầu tư công, nhiều ý kiến cho rằng: trong suốt thời gian dài, Việt Nam thường sử dụng đầu tư công như một công cụ đòn bẩy hữu hiệu nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư công lại chưa tương xứng với đồng vốn mà chúng ta đã đi vay. Trong khi đó, áp lực trả nợ ngày càng gia tăng. Bởi vậy, tái đầu tư công không chỉ là việc cắt giảm các dự án, mà chính là việc sử dụng đồng vốn sao cho hiệu quả hơn là mục tiêu chính yếu.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương thẳng thắn cho rằng: Đầu tư công trong nước còn dàn trải, chưa tập trung. Cụ thể, hiện nay Việt Nam đang xây dựng 20 cảng biển quốc tế, xây dựng và mở rộng 22 sân bay dân dụng trong đó có 8 sân bay quốc tế, đang xây dựng 18 khu kinh tế biển, 30 khu kinh tế cửa khẩu, 260 khu công nghiệp, 650 cụm công nghiệp... Trong khi chưa xây dựng được một cảng nước sâu nào có tầm cỡ quốc tế...

Từ thực tế trên, TS. Lê Đăng Doanh kiến nghị, đề án tái cấu trúc đầu tư công phải gắn liền với cải cách luật pháp, thể chế, cơ chế quản lý đầu tư theo hướng thực hiện công khai, minh bạch, đặt quá trình đầu tư dưới chế độ trách nhiệm cá nhân trong từng khâu của quy trình xét duyệt, nghiệm thu... Cần sớm ban hành Luật mua sắm, đầu tư công. Ngoài ra, cũng cần sửa đổi, bổ sung các luật pháp liên quan như Luật Ngân sách, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, các quy định liên quan trong Bộ Luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp...

Về vấn đề này, TS. Võ Đại Lược – Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cũng nhấn mạnh: dẫn đến việc đầu tư dàn trải kém hiệu quả chính là sự quá dễ dãi trong việc phân cấp và quản lý đầu tư công. Chính vì thế cần đổi mới việc quản lý các vùng kinh tế. Ông chỉ rõ: Luật đầu tư ngân sách năm 2004 quy định việc phân bổ vốn đầu tư giao chủ yếu cho các ngành và các địa phương, tạo chủ động cho các đơn vị. Các dự án đầu tư được phân ra 4 nhóm: Dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định, Còn các nhóm A từ 200 tỷ đồng trở lên, Nhóm B từ 30 tỷ đồng đến 600 tỷ đồng, Nhóm C từ 30 tỷ đồng trở xuống đều được phân chia cho các ngành và địa phương tự xét duyệt. Nghị định này hầu như đã giao quyền cho các ngành và địa phương còn các cơ quan trung ương dường như chỉ giám sát, kiểm tra chiếu lệ mang tính chất hình thức, không có chế tài kỷ luật nghiêm ngặt. Do vậy, việc quản lý điều chỉnh vĩ mô trong đầu tư công đang bị buông lỏng...

Về vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, theo các chuyên gia, đây là lực lượng sản xuất mà lẽ ra phải là xương sống cho cả nền kinh tế, nhưng cũng trong suốt 1 thời gian dài, tình trạng doanh nghiệp Nhà nước hoạt động chưa tương xứng với qui mô, tầm vóc của mình là điều dễ nhận thấy. Thậm chí, doanh nghiệp Nhà nước còn lấn sân, hay cạnh tranh với cả các doanh nghiệp tư nhân khác hoặc không tập trung vào lĩnh vực ngành nghề chính, càng làm cho nguồn lực này bị phân tán, khi gặp rủi ro thì các doanh nghiệp Nhà nước cũng điêu đứng…

Nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp Nhà nước nên tập trung vào những lĩnh vực mà các loại hình doanh nghiệp khác không làm được, hoặc trước mắt chỉ cần các doanh nghiệp này thực hiện nghiêm việc không đầu tư ra ngoài ngành, thì cũng sẽ tạo ra động lực và nguồn lực cho nền kinh tế./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam