Đảm bảo chất lượng
Đại diện một công ty nghiên cứu thị trường chỉ ra rằng, người tiêu dùng TPHCM đã tăng mức chi mua hàng trong siêu thị từ 627.000 đồng/năm (năm 2005) lên mức trên 1,5 triệu đồng (năm 2011). Kết quả khảo sát trên 1.000 người tại TPHCM cho thấy, có hơn 80% số người có thói quen đi siêu thị mua sắm mỗi tuần so với mức 12% cách đây 10 năm.
Sự thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng TP đã quyết định mạnh mẽ đến cơ cấu kinh doanh các nhóm hàng tại các siêu thị, với doanh thu từ các nhóm hàng thực phẩm chiếm tới 56% - 57%.
Bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết nhóm hàng thực phẩm tươi sống đảm bảo mức tăng 40% - 50%/năm, chiếm tỷ trọng khoảng 18% trong tổng doanh thu của toàn hệ thống. Mỗi ngày Saigon Co.op cung ứng hơn 1.000 mặt hàng thực phẩm tươi sống khác nhau và nghiên cứu để tăng tỷ lệ hàng sơ chế và nấu chín để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý Thương mại Sở Công thương TPHCM, cho rằng kinh doanh siêu thị đang có 3 lợi thế mà các chợ truyền thống không có được.
Thứ nhất, chất lượng và số lượng hàng hóa luôn được đảm bảo, có độ an toàn cao vì đầu vào ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, thời hạn, hướng dẫn sử dụng, giá bán trên sản phẩm.
Thứ hai, số lượng, chủng loại hàng hóa dồi dào, phong phú nên người tiêu dùng tự do so sánh, lựa chọn giữa các sản phẩm cùng loại.
Thứ ba, tất cả siêu thị đều liên kết với nhà sản xuất cung ứng các dịch vụ hậu mãi như: giao hàng, lắp đặt tận nhà, bảo dưỡng định kỳ,… nên người tiêu dùng được phục vụ chu đáo.
Chị Nguyễn Bạch Mai, số nhà 698 Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận, cho rằng từ khi Saigon Co.op đưa vào hoạt động siêu thị Co.opMart Nguyễn Kiệm, gia đình chị đã được hưởng nhiều tiện ích từ siêu thị này mang lại. Mua hàng trong siêu thị không những đảm bảo vệ sinh mà giá nhiều mặt hàng đang có xu hướng rẻ hơn nhiều so với các chợ.
Mua thực phẩm tại Co.opMart Cống Quỳnh. Ảnh: Kim Ngân
Phát triển vùng nguyên liệu
Để đảm bảo nguồn hàng ổn định, có mức giá cạnh tranh nhất, hầu hết các siêu thị đang thực hiện chiến lược đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật, công nghệ sau thu hoạch cho các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, nhà vườn; đặt hàng nông dân sản xuất rồi bao tiêu sản phẩm.
Là đơn vị tiên phong thực hiện cách làm này, sau gần 10 năm, hệ thống siêu thị Metro Cash & Carry đã đào tạo hơn 20.000 nông dân và ngư dân về các phương pháp sản xuất nông nghiệp an toàn và bền vững. Metro hợp tác với Bộ NN-PTNT phát triển Bộ tiêu chuẩn GAP Việt Nam (Thực hành nông nghiệp tốt), cùng với các chuyên gia, Sở NN-PTNT và chính quyền địa phương tập huấn nông dân về nuôi cá, thức ăn, kiểm soát nước theo hướng bền vững, đảm bảo sản phẩm cá an toàn cho tiêu dùng. Việc tập huấn đã giúp nông dân tự thảo luận và rút kinh nghiệm để sản xuất tốt hơn vì hàng hóa của họ không chỉ bán cho Metro mà còn bán cho nhiều đầu mối khác.
Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op Bùi Hạnh Thu, cho biết có đến hơn một nửa hàng thực phẩm tươi sống đang bày bán tại các siêu thị Co.opMart là do Saigon Co.op ứng vốn, hướng dẫn kỹ thuật cho các HTX, tổ sản xuất. Nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng cùng có lợi thì liên kết này mới phát triển bền vững.
Việc đầu tư vốn, tham gia vào quá trình sản xuất không chỉ giúp Saigon Co.op chủ động được nguồn hàng, ổn định giá bán trong thời gian nhất định, mà qua đó, nhà phân phối có thể nắm bắt kịp thời “nhịp đập” trong sản xuất, kinh doanh.
Trường hợp các nhà cung cấp yêu cầu tăng giá, Saigon Co.op cũng có cơ sở để đàm phán giá theo hướng có lợi nhất cho người tiêu dùng. Cũng từ nguồn vốn hỗ trợ ban đầu, nhiều HTX đã tìm được đầu ra ổn định, góp phần giúp xã viên tăng thu nhập. Từ chỗ người dân chỉ biết sản xuất theo kiểu thuần nông, bán xá thì nay họ đã học được những quy trình sản xuất và sơ chế hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp.
Khép kín quy trình
Điểm chung nhất các siêu thị đang thực hiện, phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm, từng bước khép kín quy trình sản xuất, kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Gần đây, các siêu thị tăng cường phát triển chuỗi nhãn hàng riêng, như Co.opMart, Big C và Metro hiện có hơn 500 sản phẩm nhãn riêng, với giá rẻ hơn 5% - 10% so với sản phẩm cùng loại, do không tốn chi phí quảng bá sản phẩm mới.
Những sản phẩm riêng, đặc sắc của các siêu thị được sản xuất theo quy trình khép kín đã tạo ra sự khác biệt trong kinh doanh. Chẳng hạn, Saigon Co.op đã hoàn thành việc trồng và đóng gói các mặt hàng rau củ quả mang thương hiệu Co.op thông qua dự án “Nâng cao kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm (FAPQDC)” do Canada tài trợ.
Với dự án này, Saigon Co.op cũng phối hợp với các HTX nông nghiệp hỗ trợ, đào tạo và tư vấn quy trình kiểm soát và đóng gói và lưu trữ hàng thực phẩm; đầu tư vốn cho các HTX thành viên đầu tư dây chuyền sơ chế đóng gói; đầu tư vốn để hoàn thiện chuỗi cung ứng thực phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap tại KCN Sóng Thần.
Metro Cash & Carry cũng đang quyết liệt thực hiện chiến lược B2B (từ kinh doanh đến kinh doanh). Tháng 11-2011, Metro đã đưa vào hoạt động trạm trung chuyển thủy hải sản tại Cần Thơ, với khả năng cung ứng 2 triệu kg/năm. Đây là mô hình dự án hợp tác công - tư (PPP) điển hình, cung cấp cho tất cả trung tâm bán sỉ của Metro trên toàn quốc các sản phẩm cá tươi và chế biến theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và có nguồn gốc rõ ràng.
Tính đến ngày 31-12-2011, TPHCM có 140 siêu thị, 25 trung tâm thương mại chuyên và đa ngành hiện đại, hơn 500 cửa hàng tiện ích và hàng chục ngàn cửa hàng tạp hóa các loại.
Tính trên giá trị, kênh mua sắm hiện đại (gồm trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, siêu thị) tại TPHCM đã đạt khoảng 35% doanh thu bán lẻ, tăng hơn gấp 2 lần so với mức 15% năm 2007, cao hơn mức bình quân 20% - 22% của cả nước. Doanh thu hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tăng bình quân 19% - 27%/năm và nộp ngân sách tăng bình quân 26% - 28%/năm.
Nguồn Báo SGGP Online