Theo đó, xuất khẩu, giá trị xuất khẩu nông, lâm và thủy sản tháng 4 ước đạt 2,1 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm lên gần 8 tỷ USD. Trong đó, các mặt hàng nông sản chính ước đạt 4,6 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước; thuỷ sản ước gần 1,9 tỷ USD, tăng 16,4%; lâm sản ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, gạo là mặt hàng nông sản chủ lực, chiếm tỷ trọng xuất khẩu cao, nhưng trong tháng 4 xuất khẩu ước khoảng 700 ngàn tấn, kim ngạch ước đạt 345 triệu USD, đưa tổng lượng gạo xuất khẩu 4 tháng đầu năm ước đạt 2 triệu tấn với giá trị 989 triệu USD, chỉ bằng 73,7% cùng kỳ năm ngoái cả về lượng và giá trị. Giá gạo xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm đạt 493 USD/tấn, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2011. Thị trường In-đô-nê-xia mặc dù vẫn là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam, nhưng lại sụt giảm mạnh, chỉ bằng 1/3 cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc (gấp 4 lần về khối lượng và 3,5 lần về giá trị) và Malaixia (tăng 67,6% về khối lượng và 83,4% về giá trị) là hai thị trường tăng trưởng vượt bậc trong năm nay, tỷ trọng xuất khẩu sang mỗi thị trường này đã đạt xấp xỉ 20% tổng giá trị xuất khẩu gạo. Một số thị trường mới khác cũng có sự tăng trưởng đáng chú ý như Hồng Kông, Bờ Biển Ngà, Đài Loan, và Gana.
Mặt hàng cà phê giảm cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2011, ước xuất khẩu tháng 4 đạt 160 ngàn tấn với trị giá 340 triệu USD, đưa lượng xuất khẩu 4 tháng lên 660 ngàn tấn và giá trị đạt 1,4 tỷ USD, giảm 5,6% về lượng và 6,5% về giá trị so với năm 2011. Giá cà phê xuất khẩu có xu hướng tăng, giá xuất khẩu bình quân 3 tháng ở mức 2.130 USD/tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
Sản phẩm cao su Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn, tuy có tăng về lượng nhưng lại giảm mạnh về giá trị. Khối lượng cao su xuất khẩu tháng 4 ước đạt 45 ngàn tấn và thu về 130 triệu USD, với ước tính này 4 tháng đầu năm xuất khẩu đạt 258 ngàn tấn với trị giá 754 triệu USD, tăng 30,4% về lượng nhưng lại giảm 12,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2011. Giá trị kim ngạch giảm là do giá xuất khẩu cao su thấp. Giá cao su xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm chỉ đạt 2.926 USD/tấn, thấp hơn 33,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, tình hình tiêu thụ cao su đã sôi động trở lại, giá cao su tăng và dự báo nhu cầu tiêu thụ cao su thế giới trong những tháng tới sẽ tăng. Khối lượng xuất khẩu cao su tăng trưởng khá ở nhiều thị trường như Malaixia (gấp 3 lần), và Ấn Độ (gấp 5 lần).
Trái với một số mặt hàng nông sản chính, mặt hàng chè là một trong các mặt hàng được đánh giá có tình hình tiêu thụ tương đối ổn định. Ước xuất khẩu tháng 4 đạt 9 ngàn tấn với kim ngạch đạt 13 triệu USD, đưa tổng lượng chè xuất khẩu 4 tháng đầu năm ước đạt 39 ngàn tấn, kim ngạch đạt 55 triệu USD, tăng 19,1% về lượng và 16,3% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng xuất khẩu chè ở một số thị trường có sự tăng trưởng vượt bậc (gấp 2 lần cùng kỳ năm ngoái) như Inđônêxia, và Arập Xêút. Giá xuất khẩu giảm nhẹ so với tháng trước, giá bình quân 3 tháng đạt 1.389 USD/tấn, xấp xỉ giá cùng kỳ năm 2011.
Đáng chú ý, sản phẩm điều của Việt Nam có sự tăng trưởng đáng kể, tháng 4, xuất khẩu ước đạt 16 ngàn tấn với giá trị 112 triệu USD, đưa tổng lượng xuất khẩu 4 tháng đầu năm ở mức 53 ngàn tấn với trị giá 369 triệu USD, tăng 30,6% về lượng và tăng 25,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2011. Khủng hoảng kinh tế đã ảnh hưởng xấu đến tình hình tiêu thụ điều, khiến cả giá và lượng đều giảm. Từ tháng 3, xuất khẩu điều đã phục hồi và tăng trưởng khá ở tất cả các thị trường lớn. Giá xuất khẩu trung bình 3 tháng đạt 7.003 USD/tấn, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với sản phẩm tiêu, xuất khẩu tháng 4 ước đạt 17 ngàn tấn, kim ngạch đạt 116 triệu USD đưa khối lượng tiêu xuất khẩu 4 tháng lên con số 48 ngàn tấn với giá trị kim ngạch xuất khẩu 326 triệu USD, tăng 15,5% về lượng và tăng tới 54,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá tiêu xuất khẩu tăng mạnh do nguồn cung hạn chế, giá bình quân 3 tháng đạt 6821 USD/tấn, tăng gần 39,34% so với cùng kỳ năm trước. Lượng tiêu thụ tiêu tăng khá ở hầu hết các thị trường, ngoại trừ Đức, Hoa Kỳ, và Anh.
Mặt hàng lâm sản chính và đồ gỗ ước có sự tăng trưởng khá mạnh. Ước xuất khẩu tháng 4 đạt 420 triệu USD đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm ước đạt 1,5 tỉ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 1,4 tỷ USD, tăng tới 24,9%; sản phẩm mây tre, cói thảm ước đạt 69 triệu USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Các nước nhập khẩu lớn gỗ và các sản phẩm gỗ là Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Nhật Bản.
Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng khá tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Tuy nhiên, thị trường EU lại đang có sự sụt giảm trong tiêu thụ thủy sản. Khó khăn trong xuất khẩu cá tra đã khiến giá cá tra trong nước rớt giá nghiêm trọng trong khi giá thức ăn lại vẫn ở mức cao dẫn đến nhiều hộ nuôi có khả năng sẽ bị thua lỗ. Tháng 4 xuất khẩu thủy sản ước đạt 550 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu 4 tháng đầu năm lên gần 1,9 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng khá.
Theo dự báo của các chuyên gia, năm 2012 sẽ có không ít các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với khó khăn do rào cản phi thuế quan mà các nước dựng lên, trong khi hàng loạt đoàn thanh tra thực phẩm các nước sẽ tới nước ta trong năm nay. Để xuất khẩu nông sản bền vững, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần đẩy mạnh đầu tư vào khâu chế biến, đảm bảo các quy định trong khâu sản xuất và chế biến nông, thủy sản... nhằm làm cho sản phẩm đạt đủ tiêu chuẩn, vượt qua các rào cản ngặt nghèo khi vào các thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản... Hiện, Bộ NN&PTNT đang tiếp tục rà soát và lập quy hoạch mới các vùng nuôi trồng nguyên liệu, áp dụng tiêu chuẩn VietGap đối với các cơ sở sản xuất với khối lượng xuất lớn. Bộ cũng sẽ thực hiện chương trình giúp các doanh nghiệp củng cố và mở rộng các thị trường truyền thống, đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, khai thác các thị trường mới ở châu Phi, Trung Đông và Nam Mỹ./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam