Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam, một câu hỏi được đặt ra là cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào sân chơi lớn này như thế nào, đặc biệt là các thị trường trọng điểm?
Nhiều cơ hội lớn…
Ông Trương Đình Tuyển, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại cho biết: Với các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ, cơ hội của Việt Nam là có hiệp định mậu dịch tự do với các đối tác này.
Dệt may Việt Nam vào thị trường Nhật Bản thuận lợi hơn khi có Hiệp định thương mại tự do
Với Nhật Bản, hiệu ứng của hiệp định này đã rất rõ. Đơn cử, trước khi có hiệp định, hàng dệt may Việt Nam không thể nào cạnh tranh với hàng dệt may của Trung Quốc tại thị trường Nhật Bản. Tỷ lệ xuất khẩu dệt may Việt Nam vào Nhật Bản ngày càng giảm.
Nhưng khi hiệp định được ký kết, tốc độ xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào Nhật Bản tăng nhanh. Hiệu ứng cắt giảm thuế quan từ phía Nhật Bản đã tạo cơ hội cho hàng Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản, không chỉ dệt may mà cả các mặt hàng tiêu dùng, hàng nông sản.
Đối với EU, sự hỗ tương thương mại giữa Việt Nam và EU cơ bản là tốt. Hiện nay, hai bên cam kết khởi động quá trình đàm phán cho hiệp định mậu dịch tự do. Ông Tuyển nhận định: Đây sẽ là một hiệp định hai nền kinh tế bổ sung cho nhau là chủ yếu, cạnh tranh với nhau không nhiều, trừ dịch vụ. Thậm chí, lấy ví dụ về mặt hàng sữa, ông Tuyển khẳng định, sữa EU vào Việt Nam chỉ tăng thêm khả năng lựa chọn cho người tiêu dùng chứ áp lực cạnh tranh mới không nhiều.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên lưu ý rằng, chúng ta đang đứng trước một cơ hội rất lớn là được các nước ASEAN và các đối tác ASEAN+, trong giai đoạn 2011- 2015, bảo lưu việc giảm thuế, mở cửa thị trường đối với một số các hàng hoá và dịch vụ đối với nhóm nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanma, Việt Nam).
Như vậy, trong 5 năm, 2011 - 2015, chúng ta vẫn được hưởng những ưu đãi về giảm thuế và mở cửa thị trường của các nước ASEAN 6, và các đối tác ASEAN+, mà họ có các khu vực mậu dịch tự do đã ký.
Phải bỏ tư duy tiểu nông khi hội nhập
Hội nhập quốc tế, cơ hội rất lớn nhưng cũng là một thách thức. Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên lo lắng cho thời điểm đến hết năm 2015, chúng ta phải cam kết là thực hiện giảm thuế và mở cửa thị trường như tất cả các đối tác trong ASEAN, cũng như là ASEAN+.
Vấn đề đặt ra là giai đoạn 2012 –2015, chúng ta phải tận dụng cơ hội này và chuẩn bị hành trang để đưa doanh nghiệp đối mặt với sự cạnh tranh rất bình đẳng, ngang ngửa trên thị trường rộng mở, từ sau 2015.
Chia sẻ lo lắng này, ông Trương Đình Tuyển cho rằng, trong môi trường hội nhập quốc tế ngày càng mạnh, Việt Nam vẫn dùng tư duy nhỏ bé, tiểu nông mà không đặt trọng tâm vào những tầm nhìn lớn. Điều này được lý giải khi thực tế nước ta luôn nhận mình vào nhóm CLMV (Campuchia, Lào, Myanma, Việt Nam) để được ưu đãi thuế và không nghĩ rằng mình phải nhanh chóng thoát ra khỏi nhóm CLMV. Nếu không làm được điều này chúng ta sẽ càng kém đi. Vì chúng ta thường “nước đến chân mới nhảy”, khi đó 4-5 năm nữa cũng không giải quyết được vấn đề gì. Cho nên, “với tính cách người Việt Nam, cần có sức ép mới gồng mình lên, chứ nếu còn thời gian người Việt sẽ cứ nhẩn nha” – ông Tuyển khẳng định.
Chính vì vậy, không còn con đường nào khác, theo ông Nguyễn Thành Biên, Việt Nam cần phải nhanh chóng thoát ra khỏi nhóm các nước phát triển chưa cao trong ASEAN hay nhóm CLMV.
Bởi thực tế, theo phản ánh của TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, hiện nay trong các đàm phán, nhiều quốc gia đã muốn gạt Việt Nam ra khỏi CLMV để cắt chế độ ưu đãi như là đối với 3 nước còn lại. Tuy nhiên cho đến nay, Việt Nam vẫn đấu tranh rằng nước mình yếu, nghèo để được ưu đãi chung cho nhóm 4 nước.
Xuất khẩu phải theo chuỗi giá trị
Ông Trương Đình Tuyển cho rằng, hội nhập bên cạnh những lợi thế, chắc chắn có thách thức. Đó là các nước mở cửa thị trường cho hàng Việt Nam vào thì Việt Nam cũng phải mở cửa thị trường cho hàng của họ vào. Mặc dù các đối tác lớn như Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ đem vào yếu tố hỗ trợ nhiều hơn là cạnh tranh.
Hàng Việt muốn thâm nhập được thị trường quốc tế, phải đi bằng chất lượng
Nhưng quan trọng là các thị trường này có tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm rất chặt chẽ, khắt khe. Nếu chúng ta không hướng theo những tiêu chuẩn đó, chúng ta sẽ bị họ áp dụng những biện pháp hạn chế nhập khẩu, thậm chí là cấm,…
Thực tế, rất nhiều trường hợp hàng Việt không thâm nhập được thị trường các nước, không phải vì thuế cao hay họ chưa mở cửa thị trường mà do hàng chúng ta không đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật của họ.
“Cho nên các doanh nghiệp muốn vào thị trường này phải hết sức coi trọng đảm bảo tiêu chuẩn” – ông Tuyển nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên thừa nhận thực tế: “hàng rào kỹ thuật chúng ta đang dùng, để ngăn chặn hàng nước ngoài còn hơi bất cập và yếu so với hàng rào kỹ thuật của các đối tác thương mại mà chúng ta có tham gia các khu vực mậu dịch tự do nói riêng, WTO nói chung. Hiện nay, hàng rào của họ ngày càng tinh vi và trong nhiều trường hợp còn mang tính chất bảo hộ rất lớn”.
Trước thực tế này, TS Võ Trí Thành đưa ra khuyến cáo: việc tiếp cận thị trường xuất khẩu hiện nay bắt đầu phải theo hướng chuỗi giá trị.
Ví dụ, ta có thể tiếp cận cách bán sản phẩm cho một doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, nhưng sản phẩm cuối cùng của doanh nghiệp FDI này lại đem đi xuất khẩu thì ta cũng tiếp cận được thị trường ngoại. Không những thế, ta còn tận dụng được thương hiệu, lợi thế quy mô của họ. Tất nhiên, qua đó để học hỏi mà “lớn lên” để dần trở thành như họ. Cách này chúng ta thường quên.
Hay khi doanh nghiệp Việt Nam cung cấp nguyên liệu hoặc sản phẩm đầu vào cho doanh nghiệp FDI tại Việt Nam thì về bản chất đó cũng đã là xuất khẩu. “Chúng ta không nên chỉ nhìn hàng cuối cùng rồi lại vào thị trường cuối cùng, mặc dù cái đó cũng rất quan trọng”- ông Thành cho biết./.
Nguồn VOV Online