Phát triển làng nghề Chăm gắn kết du lịch theo hướng bền vững

(NTO) Với thế mạnh là địa phương có nền văn hóa Chăm đặc sắc, đa dạng làng nghề truyền thống, đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh ta phát triển thế mạnh làng nghề-du lịch. Thế nhưng, kết quả đạt được đến nay là chưa tương xứng.

Quyết định số 2502/QĐ-UBND, ngày 16-7-2009, của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt đề án Hỗ trợ phát triển làng nghề-du lịch Chăm Ninh Thuận đến năm 2011 và Quyết định số 2437/QĐ_UBND, ngày 8-11-2010 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt đề án Chiến lược Marketing gốm mỹ nghệ Bàu Trúc tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2010-2015 và tầm nhìn đến năm 2020 là một trong những chủ trương của tỉnh về bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống. Điều đó, cho thấy sự quan tâm chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần của tỉnh đối với đồng bào Chăm, đặc biệt là bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, ngành nghề truyền thống của địa phương.

Du khách tham quan làng gốm Bàu Trúc. Ảnh: Duy Anh

Chỉ sau một thời gian ngắn thực hiện đề án, người dân làng nghề đã quay lại với nghề truyền thống của mình, số người tham gia làm nghề ngày càng tăng lên, mẫu mã sản phẩm được cải tiến, sản phẩm tạo ra ngày càng đa dạng, thu hút được khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan làng nghề. Cụ thể, thu nhập bình quân tăng từ 700.000đồng/người/tháng (năm 2009) lên 1.500.000đồng/người/tháng (năm 2011); tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể…Với mục đích phát triển, mở rộng quy mô, HTX làng nghề đã ra đời, liên kết các hộ nghề với nhau tạo ra một thị trường lớn hơn và mang tính lâu dài.

Xây dựng thương hiệu đã khó…

Tuy được tỉnh hỗ trợ, đầu tư nhiều nhưng do quy mô sản xuất ở các làng nghề vẫn còn nhỏ lẻ, hoạt động sản xuất chủ yếu vẫn là hộ gia đình; sản phẩm chủ yếu làm ra chỉ tiêu thụ trong nước, thị trường chưa ổn định; mẫu mã thiết kế còn đơn điệu, …nên việc xây dựng thương hiệu để quảng bá sản phẩm rất khó khăn.

Điển hình như làng gốm Bàu Trúc là một trong những làng nghề cổ xưa nhất trong những làng nghề Đông Nam Á, với hơn 200 hộ trực tiếp tham gia làm nghề. Sản phẩm độc đáo, giá thành rẻ,… tuy nhiên việc tiêu thụ sản phẩm chỉ theo hình thức ký gửi, sản phẩm hư hỏng thì trả về nơi sản xuất, ảnh hưởng lớn đến kinh tế của người dân làng nghề. Và có một điều những người tâm huyết với nghề trăn trở, đó là khách hàng không biết đến thương hiệu gốm Bàu Trúc, không phân biệt được gốm Bàu Trúc với gốm của các làng nghề khác, chỉ biết thấy sản phẩm thô sơ, sần sùi với hoa văn cổ thì cho là sản phẩm gốm của người Chăm.

Các ngành chức năng đã có những giúp đỡ trong việc xây dựng thương hiệu đối với các làng nghề như hoàn tất thủ tục đăng ký nhãn hiệu gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp. Tuy nhiên để thương hiệu đi vào lòng khách hàng còn rất nhiều yếu tố khác. “Cần phải thay đổi quan niệm “không cần đăng ký, chỉ cần sản phẩm có chất lượng thì sẽ được mọi người ưa chuộng”, mặt khác tránh việc hoạt động tự phát, mạnh ai nấy làm, chưa chú ý đến nhãn mác, bao bì sản phẩm; đồng thời cần vận động các nghệ nhân cung cấp thông tin về sản phẩm, tạo sự gắn kết, thống nhất về tiêu chí chung cho sản phẩm…”- đó là ý kiến của ông Trần Thanh Sơn, Phó Chủ tịch thị trấn Phước Dân.

Gắn kết du lịch càng khó hơn…

Làm thế nào để khai thác hết lợi thế của nhà trưng bày, đổi mới mô hình kinh doanh-phục vụ du khách từng bước theo hướng chuyên nghiệp và thân thiện, website làng nghề được nhiều người biết đến… Và làm sao để xây dựng được các tour tham quan hấp dẫn du khách là những vấn đề cấp thiết cần giải quyết hiện nay.

Du khách tham quan mua sắm sản phẩm tại làng nghề truyền thống Mỹ Nghiệp. Ảnh: Sơn Ngọc

Ông Trần Thanh Sơn, cho biết thêm: “Cần lắm việc xây dựng những tour du lịch như Homestay, xây dựng lô-gô cho sản phẩm, thiết kế mô hình trưng bày sản phẩm mang tính dân dã. Nếu cần thiết có thể tổ chức cho người dân học tập và tham quan ở những làng nghề xây dựng thành công và nổi tiếng kiểu tour này.”

Việc nghiên cứu để kết nối làng nghề Chăm vào các tour, tuyến du lịch gặp rất nhiều khó khăn. Vì làng nghề truyền thống hầu như phát triển còn mang tính tự phát và phân tán, thiếu trang-thiết bị kỹ thuật, thiếu thị trường, sản phẩm tạo ra chưa phong phú, chưa đáp ứng được nhu cầu khách quốc tế, công tác tuyên truyền quảng bá còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng nhưng ý thức của một số thanh - thiếu niên trong làng chưa cao, nhất là việc bảo vệ môi trường làng nghề như: giữ gìn vệ sinh đường làng kém và còn xả rác bừa bãi… Điều đó làm ảnh hưởng tâm lý của khách du lịch và gây khó khăn cho việc khảo sát để kết nối thành các tour, tuyến phục vụ du lịch.

Thực tế hiện nay, du khách muốn đến tận làng nghề để tham quan tìm hiểu về các vị tổ nghề hoặc địa danh văn hoá, tận tay tham gia vào quá trình sản xuất ra sản phẩm, thậm chí đó là một sản phẩm theo ý tưởng, mẫu thiết kế riêng của bản thân. “Tôi được biết đến làng nghề Chăm Ninh Thuận từ một người bạn trên Facebook, những sản phẩm rất ấn tượng. Nếu có một chương trình Homestay ở làng nghề Chăm thì tuyệt hơn nữa, được sinh hoạt và học cách làm nghề như những nghệ nhân thực thụ”, Anh Trần Minh Hải, một du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh thổ lộ.

Nếu giải quyết được những vấn đề này, làng nghề sẽ trở thành điểm tham quan của khách du lịch trong nước cũng như nước ngoài, từ đó sản phẩm làng nghề có nhiều cơ hội để tiêu thụ. Mặt khác, với việc đã đầu tư cơ sở hạ tầng thuận lợi, việc kết nối giữa các làng nghề với nhau, giữa các làng nghề với điểm du lịch nhằm mục đích phát triển các tour du lịch tiềm năng, làng nghề Chăm tỉnh ta sẽ là điểm đến lý tưởng và độc đáo của du khách trong nước và quốc tế, tránh sự nhàm chán đơn điệu cho du khách, đồng thời góp phần bảo tồn các làng nghề truyền thống, thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh ta ngày càng phát triển bền vững.