Mùa xuân và hoa

Có lẽ hết thảy chúng ta cũng đều đi chung trên con đường cảm nhận về vẻ đẹp của mùa xuân, mùa của muôn hoa trải mình khoe sắc, dâng cho con người một bản giao hưởng về sắc hương, chính vì vậy mà mùa xuân là mùa của rạo rực yêu thương, lòng nhân từ, bác ái.

(NTO) Chúng ta trân trọng vẻ đẹp của mùa xuân bao nhiêu thì chúng ta càng yêu hoa bấy nhiêu. Từ lâu hoa đã đi vào tâm hồn của mỗi con người bằng nhiều con đường: tình yêu, nhân cách, đạo đức và thẩm mỹ. Hoa không những cống hiến cho con người những giá trị tinh thần mà còn mang đến cho con người niềm hạnh phúc bất tận. Thông qua hoa, tùy theo màu sắc và hương thơm mà ta có thể cảm nhận được giá trị tinh thần cũng như tình cảm.

Con người thường sử dụng hoa như một thông điệp nói lên ngôn ngữ của lòng mình, bởi thứ thông điệp vô hình ấy lại phát huy tác dụng vô cùng to lớn. Tuy nhiên ở mỗi vùng, miền, lại có một một loại hoa đặc trưng riêng, đó chính là nét đẹp của thiên nhiên mà con người chưa khám phá hết.

Hoa tầm xuân được dân Phan Rang yêu thích tìm mua trong dịp tết. Ảnh: Sơn Ngọc

Mùa xuân về, nếu ở miền Bắc thì người ta háo hức chờ đón hoa Đào, khi hoa Đào nở đỏ rực cả một khu vườn, người ta có cảm tưởng như khí thiêng sông núi tụ về, cả vùng đất hồng lên như ánh bình minh, báo hiệu sự hạnh phúc, an khang, thịnh vượng sắp đến.

Hoa Đào cũng có năm, sáu cánh như hoa Mai. lá của hoa Đào hình lưỡi mác có răng cưa, hoa nở thành chùm như hoa Mai. Người dân miền Bắc thường mua Đào cành có nhiều nụ về cắm lên bàn thờ. Đi kèm với hoa Đào trong ngày tết, người miền Bắc thường chưng kèm theo hoa Sen, cúc Vạn Thọ làm chủ nền cho việc thờ cúng, lễ hội. Hoa Đào cũng có nhiều loại: Hồng Đào, Bạch Đào…nhưng người miền Bắc thường dùng nhiều nhất là hoa Hồng Đào vì Bạch Đào rất hiếm.

Còn ở miền Nam, do khí hậu nóng nên có hoa Mai. Khi xuân về, tết đến, dù là giàu hay nghèo nhà nào cũng có một cành hoa Mai để chưng lên bàn thờ Tổ tiên ông bà, nếu khá giả thì người ta mua cả một chậu mai cảnh về đặt ở phòng khách để mọi người cùng thưởng ngoạn.

Dù là ở miền Bắc hay miền Nam chưng hoa Mai, hoa Đào trên bàn thờ đó là nét văn hóa tâm linh, là một quan niệm nhân sinh của người dân Việt Nam nói chung và từng vùng, miền nói riêng. Mùa xuân là mùa khởi đầu của một năm, khí hậu mát mẻ, vạn vật chuyển mình, hoa lá cỏ cây đua nhau đâm chồi nảy lộc, trổ hoa.

Nhộn nhịp chợ hoa Phan Rang trong dịp tết cổ truyền dân tộc. Ảnh: Sơn Ngọc

Trong không khí mùa xuân dịu nhẹ, lòng người cảm thấy rạo rực khi nhìn những bông mai nở vàng rực trên cành. Từ ngàn xưa, hoa mai đã được xếp hạng là một loại hoa quý trong bốn loại hoa, (Tứ quý đệ nhất Mai) đó là hoa Mai, Lan, Cúc, Trúc.

Hoa Mai cũng có nhiều loại tùy theo kiểu dáng và màu sắc, và đặc trưng mà Mai có những tên gọi khác nhau. Hoa Mai màu trắng là Bạch Mai, màu vàng là Hoàng Mai, mai nở suốt bốn mùa là Mai tứ quý, mai màu đỏ gọi là Hồng Mai. Có loại Mai trổ hoa màu trắng nhỏ li ti nhưng rất quý phái, khi nở dáng hoa nghiêng xuống gọi là mai Chiếu Thủy. Hoa Mai cánh mỏng nhưng màu sắc giữ được mãi cho đến khi rơi rụng vẫn giữ màu sắc ấy. Hương hoa Mai thoang thoảng nhẹ nhàng lan tỏa theo gió, mùi thơm dịu ngọt.

Màu hồng của hoa Đào, màu vàng của hoa Mai, tuy ở hai miền cách xa nhưng cùng nở hoa cùng một lúc khi xuân về, Tết đến. Nhà thơ Lưu Trọng Lư đã phải thốt lên rằng: “ Không có lời nào đẹp bằng tiếng nói của hoa/ Ở đâu có hoa thì ở đó có lòng thơm thảo”.