Người “kể chuyện” lễ hội Chăm bằng… hình ảnh

Năm 2011 là năm đáng nhớ của Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Trương Văn Ẩn, khi anh được mời tham gia triển lãm ảnh Lễ hội Văn hóa Chăm tại Bảo tàng Điêu khắc Đà Nẵng.

Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Trương Văn Ẩn

(NTO) Gặp nghệ sỹ ở quán cà phê vào một buổi sáng sớm đầu tháng 12, khi anh vừa từ Đà Nẵng về. Vẫn con người ấy, giản dị, trầm lắng, anh từ tốn bắt đầu câu chuyện: Cuối năm, công việc khá bộn bề, nhưng tôi vẫn nhận lời mời triển lãm vì nghĩ đây là cơ hội tốt để giới thiệu vốn di sản văn hóa phi vật thể Chăm đến với công chúng. Ban đầu hơi lo, sợ không thu hút được khách, vì nội dung trưng bày mới. Nhưng rất may, kể từ khi khai mạc (22-11-2011) đến nay, ngày nào cũng có nhiều người đến xem, nhất là giới nghiên cứu văn hóa và khách nước ngoài.

Bộ ảnh gồm 150 tấm, khảo tả chi tiết 15 lễ hội truyền thống của cộng đồng người Chăm không những có giá trị về nghệ thuật mà còn là nguồn tư liệu quý, mô tả một cách đầy đủ nhất về tính nguyên gốc của nó. Để “bắt” lễ hội phải “sống”, phải “diễn ra” trên từng tấm ảnh, anh đã rong ruổi khắp các làng Chăm, không ít lần thức thâu đêm bấm máy. Chỉ cần một sai sót nhỏ, là phải “gác máy”, nhẫn nại chờ đến mùa lễ hội năm sau mới chụp lại được.

Đó là lý do để có một bộ ảnh đầy đủ, anh phải dày công sáng tác trong 12 năm trời.

 
 
 
 150 tấm ảnh của Trương Văn Ẩn ghi lại 15 lễ hội Chăm, gồm: Lễ hội Katê; Ramưwan; Tảo mộ; Cha bun (lễ mẹ xứ sở), Yươr yang (lễ cầu đảo) tại đền tháp; Rija Nưgar (lễ tống ôn đầu năm); Palau sah (lễ cầu đảo) ở các cửa biển; Rija Harei (lễ múa ban ngày); Rija Praung (lễ múa lớn); Cúng đập nước Kaya; Tôn chức phó cả sư (Tapah) và thầy Bà xế (puah); Karơh (lễ cắt tóc); Cưới hỏi của người Chăm Ahiêr và Chăm Awal; Ndam cuh (lễ hỏa táng); Ba talang tamư Kut (lễ nhập Kut).

Những bậc đàn anh trong giới nhiếp ảnh như Nguyễn Văn Bửu, Lê Văn Đức… đều cho rằng, cái khó của ảnh lễ hội là tính chân thực và chỉ có người cần mẫn, tỷ mỉ, làm việc nghiêm túc như Trương Văn Ẩn mới thành công. Tác giả quả là mẫu người có cá tính, không dẫm lên lối mòn của những “phó nháy” đi trước, mà chọn cho mình một lối đi riêng, có xu hướng “hoài cổ”.

Thưởng thức ảnh của Trương Văn Ẩn, người xem cảm nhận được không gian, thời gian, ý nghĩa và tình tự diễn ra một lễ hội. Để đạt được trình độ như vậy, đòi hỏi phải bấm máy đúng vào thời khắc nhất định....

Nhân dịp xuân về chúng tôi chúc mừng anh, nghiệp cầm máy không phụ công sức. Nhưng anh thì khiêm tốn: “Môi trường công việc đã tạo điều kiện cho tôi hoàn thành bộ ảnh”. Môi trường như anh nói, đó là có 35 năm làm trong ngành Văn hóa.