(NTO) Mặn mà duyên hoa và đất
Nhắc đến Mỹ Bình, du khách và người dân trong tỉnh đều biết, liên tưởng đến nghề trồng hoa cúc của bà con nơi đây. Thực ra, làng hoa Mỹ Bình bắt đầu xuất hiện cách đây chỉ chừng chục năm, nhưng vì là địa phương có số hộ dân và diện tích trồng hoa nhiều nhất tỉnh, hoa ở đây lại đẹp có tiếng, chất lượng tốt nên được nhiều du khách và thương lái ưa chuộng tìm đến tham quan, mua bán.
Nông dân Mỹ Bình chăm sóc hoa xuân phục vụ thị trường tết. Ảnh: Hồng Nhạn
Thời gian trước, hầu hết vùng đất Mỹ Bình được chuyên canh trồng rau và các loại cây ngắn ngày như hành, tỏi, cà rốt… Sau bao năm, đất đai bạc màu, các loại rau màu không còn cho năng suất cao, cộng với giá cả lên xuống thất thường, để tìm ra hướng làm ăn mới, một vài người dân đến các tỉnh lân cận tìm hiểu và thấy cây hoa cúc khá phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất Mỹ Bình nên đưa giống về trồng thử.
Bước đầu trồng thử nghiệm thấy khả quan, bà con nhân rộng ra, lúc đầu chỉ có vài ba hộ trồng, với diện tích 1-2 sào, rồi dần dần phát triển lên gần cả trăm hộ với hàng chục ha, làng hoa Mỹ Bình hình thành từ đó. Thời điểm phong trào trồng hoa cúc rầm rộ nhất là các năm từ 2007- 2009, toàn phường có hơn 100 hộ trồng với tổng diện tích gần 60 ha. Có đến 90% lượng hoa được các thương lái đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh bạn như: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Thuận, Tp.Hồ Chí Minh…
Ưu thế của cây hoa cúc là có thể trồng quanh năm, mỗi vụ từ 2,5 đến 3 tháng. Giá bông mua tại vườn tiêu thụ trong tỉnh trung bình 2.500 đồng/cây, còn giá đi các tỉnh ngoài là 4.500 đồng/cây, có lúc khan hàng giá có thể lên đến 6.000 đồng/cây. Trừ các chi phí, giống cây, phân bón, công chăm sóc, trung bình mỗi sào hoa bà con lời khoảng 15 triệu đồng/vụ. Nhờ cây hoa cúc, nhiều bà con từ khó khăn vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Đi giữa đồng hoa tết rộng hơn 5 sào vừa hé nụ, ông Nguyễn Văn Minh, người trồng hoa lâu năm, giỏi có tiếng trong vùng vui cười, cho biết: “Chỉ nghe nói cứ tưởng trồng hoa dễ ăn lắm, thế mà bà con cũng nhiều phen lao đao đấy! Nhiều lúc thời tiết không thuận, giá cả lên xuống thất thường, bà con lỗ nặng! Nói đâu cho xa, vào trận lũ cuối năm 2010 đấy, hàng chục hecta hoa tết chìm trong nước lũ, cả tháng trời nước chưa rút hết, bao nhiêu công sức, tiền của bà con đổ ra sông, ra biển hết, phải mấy tháng sau mới hồi phục trồng lại được. Nhưng được cái bà con chịu thương chịu khó, lại có kinh nghiệm trồng hoa lâu năm, nên nhanh chóng khắc phục khó khăn, bám nghề tốt”.
Ngoài kinh nghiệm vốn có, năm nào địa phương cũng quan tâm, phối hợp một số cơ quan chức năng như: Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư, Chi cục Bảo vệ thực vật… tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc hoa cho bà con. Vì vậy, hoa cúc Mỹ Bình luôn đạt chất lượng tốt, hoa to, đẹp, lại tươi lâu nên được thương lái và người dân trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
Hướng đi một làng nghề
Gắn bó với người dân đã bao năm, tuy nhiên do gần đây cây nha đam mang lại giá trị kinh tế cao nên nhiều hộ dân chuyển từ trồng hoa sang trồng loại cây này. Diện tích cây hoa cúc của địa phương vì thế bị thu hẹp đáng kể. Hiện nay, toàn phường chỉ còn khoảng 20 hộ trồng, với diện tích hơn 10 ha.
Dẫn chúng tôi dạo quanh một vòng trên các con đường hai bên rực vàng hoa cúc, ông Đặng Văn Mười, Chủ tịch UBND phường Mỹ Bình nói khẽ như tâm sự: “Mấy năm nữa thôi, chúng ta sẽ không còn được thưởng thức những vườn hoa rộng lớn rực rỡ như thế này đâu!”. Theo quy hoạch, toàn bộ 2/3 diện tích đất của địa phương nằm trong dự án khu đô thị khu K1, K2…
PV Hồng Nhạn-Báo Ninh Thuận tác nghiệp tại làng hoa Mỹ Bình.
Đại hội Đảng bộ phường Mỹ Bình, khóa 2011-2015 cũng đã xác định, sẽ đưa kinh tế địa phương phát triển theo hướng thương mại- du lịch, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng. Diện tích trồng hoa vì thế sẽ chẳng còn lại bao nhiêu. Để giúp bà con nông dân phát huy nghề truyền thống và có công ăn việc làm, ngay lúc này phải tìm ra hướng làm ăn mới. Vừa qua, Phòng Kinh tế Tp. Phan Rang- Tháp Chàm phối hợp với Sở Khoa học- Công nghệ tỉnh Phú Yên thực hiện Đề án “Trồng hoa lyly và cúc đại đóa trong chậu” cho một số hộ dân các địa phương trên địa bàn thành phố. Đây là các loại hoa có giá trị kinh tế cao.
Nhận định đây là hướng làm ăn mới có nhiều triển vọng nên đã có 2 hộ ở Mỹ Bình tham gia thực hiện đó là hộ ông Trịnh Thanh Vương, Chủ tịch Hội Nông dân phường, trồng 200 chậu hoa lyly và hộ ông Nguyễn Ca, khu phố 1, trồng hơn 250 chậu cúc đại đóa. Loại hoa lyly được nhập giống thuần chủng của Hà Lan với nhiều ưu điểm như bông to, đẹp, có nhiều màu. Qua quá trình trồng thử nghiệm, đến nay hoa phát triển tốt, phù hợp với điều kiện thời tiết ở địa phương.
Dẫn chúng tôi đi xem vườn hoa lyly của mình, anh Trịnh Thanh Vương chia sẻ niềm vui: “Hoa phát triển rất tốt và ra búp rồi đấy! Trồng đợt này để thử nghiệm, nếu thành công sẽ phục vụ hoa tết luôn. Là Chủ tịch Hội nông dân phường, hướng đi mới như thế này mình phải là người tiên phong đi đầu để sau này vừa có kinh nghiệm, vừa dễ vận động bà con làm theo, chị à!”.
Còn hơn 250 chậu cúc đại đóa của gia đình ông Nguyễn Ca cũng đương chúm chím nụ, xinh tươi khoe sức sống. Với những tín hiệu khả quan, chắc chắn rằng, đâu đó trong các chợ hoa tết năm nay và các năm sau nữa, bên cạnh cành hồng, cành huệ… sẽ còn có những chậu lyly, chậu cúc Mỹ Bình rực màu khoe sắc, góp phần thêm sắc xuân cho mọi nhà chào đón năm mới.
Chia tay Mỹ Bình, rảo bước bên những vườn cúc còn đọng giọt sương mai, không xa nơi đây sẽ mọc lên những tòa nhà, khu đô thị hiện đại, sầm uất… Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, hướng quy hoạch, phát triển đã vạch ra chắc chắn sẽ giúp đời sống người dân Mỹ Bình ngày càng được nâng cao. Và trong bức tranh phát triển ấy sẽ vẫn tồn tại những vườn lyly, vườn cúc xinh tươi tô điểm, làm đẹp thêm chốn thị thành, để người dân nơi đây còn giữ gìn dài lâu nét đẹp một làng nghề truyền thống.
Uyên Thu