(NTO) Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta từ hàng chục năm nay. Đặc biệt sau khi có nghị quyết của Trung ương về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong giai đoạn mới, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm bằng việc phê duyệt một chương trình Quốc gia có tính chiến lược và toàn diện cho chặng đường 20 năm.
Ở tỉnh ta, ngày 21-5-2011, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 02-NQ/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, trong đó xác định trong năm 2011 phải cơ bản hoàn thành quy hoạch nông thôn mới trên địa bàn 47 xã của tỉnh và phấn đấu đến năm 2020 có 24 xã đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Công trình nước sạch nông thôn phục vụ nhân dân thôn An Hòa - Thành Sơn,
xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải. Ảnh: V.M
Đồng chí Nguyễn Đức Thu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Thường trực Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh cho biết: Tổng kinh phí để triển khai đề án của tỉnh khoảng 2.600 tỷ đồng, bình quân mỗi năm cần trên 130 tỷ đồng được huy động từ nhiều nguồn, trong đó ngân sách chỉ đáp ứng trên 20%. Năm đầu triển khai thường tỉnh chỉ được Trung ương phân bổ gần 8 tỷ đồng (trong đó cho xây dựng hạ tầng 1,8 tỷ, còn lại là vốn sự nghiệp bao gồm: Quy hoạch, tập huấn đào tạo đội ngũ cán bộ triển khai chương trình, tuyên truyền, hỗ trợ sản xuất và chi phí quản lý). Nếu chỉ dựa vào nguồn vốn ngân sách và mức chi như vậy thì để hoàn thành chương trình của tỉnh phải mất khoảng 30 năm, trong khi mục tiêu chỉ 10 năm. Đây là vướng mắc lớn nhất. Cái vướng thứ hai là văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành triển khai Quyết định 800-QĐ/TTg có một số nội dung chưa thống nhất, nhất là trong công tác lập quy hoạch nên mặc dù các xã đều đã thành lập Ban chỉ đạo nhưng còn rất lúng túng trong triển khai thực hiện. Sự phối hợp thông tin giữa BCĐ các cấp còn rời rạc, thiếu đồng bộ. Mặt khác, xây dựng nông thôn mới là chương trình tổng hợp, liên quan nhiều ngành, nhiều cấp nhưng nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình cũng như vai trò chủ thể của cấp xã và từng hộ gia đình trong xây dựng nông thôn mới chưa đầy đủ, chưa xem đó là trách nhiệm của mình dẫn đến công tác thông tin tuyên truyền hạn chế, chưa phù hợp và chưa thường xuyên (không ít cán bộ, đảng viên chưa biết hoặc cũng chỉ biết qua loa về 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới); sự phối hợp liên ngành chưa tốt, còn biểu hiện khoán trắng cho ngành NN-PTNT. Kinh phí hoạt động cho BCĐ quá ít nên khó lòng triển khai đầy đủ các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra. Vậy là “trên thì đã động, còn dưới thì chưa thể phát”.
Tuyến đường giao thông Ninh Bình - Phước Bình được đầu tư xây dựng
phục vụ đi lại và giao lưu hàng hóa của nhân dân miền núi Bác Ái. Ảnh: Duy Anh
Phải thừa nhận rằng bộ 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới so với thực trạng các xã nông thôn tỉnh ta là cao và khó thực hiện nếu không ra sức phấn đấu quyết liệt với sự tham gia của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư địa phương. Địa bàn nông thôn đa dạng, mỗi nơi một vẻ, do đó sẽ không có bất kỳ một mô hình chung nào cho tất cả mà phải căn cứ tình hình thực tế của từng xã để lựa chọn mô hình, cách thức, bước đi phù hợp, không nôn nóng, chạy theo thành tích thì mới có được kết quả bền vững. Giải pháp chung cho xây dựng nông thôn mới đã được xác định rõ trong Nghị quyết của Tỉnh ủy và đề án của UBND tỉnh. Vì vậy chúng tôi chỉ muốn nêu lên một số gợi ý và đề xuất giải pháp mang tính động lực, quyết định để cấp ủy, chính quyền cơ sở tham khảo trong quá trình vận dụng thực hiện ở địa phương.
Trước hết cần phải thực hiện tốt công tác quy hoạch: Ngoài các quy hoạch về hạ tầng, khu dân cư cần có tư vấn của cơ quan chuyên môn, trọng tâm của quy hoạch cấp xã nên tập trung xác định mô hình sản xuất phù hợp mang tính lợi thế. Đối với các xã đồng bằng chuyên sản xuất nông nghiệp nên quy hoạch vùng sản xuất nông sản tập trung theo hướng tích tụ ruộng đất để sản xuất chuyên canh, áp dụng kỹ thuật và cơ giới nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Đối với các xã ven biển tập trung cho mô hình nuôi trồng thủy sản, trồng rừng phòng hộ. Đối với các xã vùng núi cần xây dựng mô hình kinh tế trang trại, gia trại kết hợp chăn nuôi tổng hợp theo dạng VAC. Các xã ven đô nên hướng theo mô hình sản xuất rau sạch, cây ăn quả, vườn hoa-cây cảnh, mô hình chăn nuôi lồng, nhốt...hình thành nên các sản phẩm đặc trưng, mang thương hiệu của xã tham gia vào thị trường. Đối với các hộ gia đình không có điều kiện tham gia sản xuất, chăn nuôi theo mô hình tập trung thì có thể học nghề để tham gia vào các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, làng nghề hoặc lao động tại các nông trại, trang trại có quy mô lớn trong xã.
Trên cơ sở quy hoạch sản xuất cần đẩy mạnh công tác liên kết “4 nhà”. Theo chúng tôi, đây là giải pháp mang tính động lực trong xây dựng nông thôn mới, bởi lẽ thông qua việc liên kết này sẽ tạo ra chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, khắc phục được tình trạng sản xuất nhỏ, manh mún để tập trung nguyên liệu cho chế biến và tiêu thụ, lôi kéo các doanh nghiệp tham gia đầu tư và nối kết sản xuất với thị trường, áp dụng được khoa học, kỹ thuật tạo cho nông nghiệp phát triển bền vững; mặt khác, qua liên kết sẽ nảy sinh tình cảm gắn bó, kết nghĩa để từ đó cùng hỗ trợ, giúp đỡ địa phương thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.
Vai trò lãnh đạo của cấp ủy được coi như là giải pháp có tính quyết định trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Bởi lẽ dù có quy hoạch tốt đến đâu nhưng cấp ủy không quyết tâm lãnh đạo thì quy hoạch cũng chỉ nằm trên giấy; dân đồng thuận nhưng đảng viên không gương mẫu, tiên phong thì củng khó thành công. Vì vậy, cấp ủy phải trong sạch, vững mạnh, biết đề ra nghị quyết chuyên đề cụ thể, sát tình hình để lãnh đạo, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện. Nhiệm kỳ cấp ủy chỉ có 5 năm, trong khi chặng đường xây dựng nông thôn mới dài gấp 4 lần, do đó vấn đề cốt lõi là phải xác định cho được thứ tự tiêu chí ưu tiên, có tính khả thi để tập trung lãnh đạo, huy động sức mạnh tổng hợp để hoàn thành. Đảng viên phải đầu tàu trong các mô hình sản xuất, tiên phong cải tiến kỹ thuật, tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, cùng góp vốn trong các hợp tác xã sản xuất, kinh doanh-dịch vụ... Mọi việc phải công khai, minh bạch, dân chủ để dân cùng biết, cùng bàn, cùng kiểm tra và cùng thụ hưởng thành quả, có như vậy thì người dân mới tin, mới yêu và một khi đã tin, đã yêu rồi thì họ sẵn sàng đi theo, cùng chung vai đấu cật, đồng hành đi tới mục tiêu.
Cách đây hơn nửa thế kỷ, khi miền Bắc bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhà thơ Tố Hữu đã mong muốn sẽ có ngày “...núi rừng có điện thay sao, nông thôn có máy làm trâu thay người...”. Điều đó từ lâu đã thành hiện thực. Hôm nay, trên đường đi tới chúng ta đang hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn Việt Nam với một hình hài mới, đó là: "Sản xuất phát triển, cuộc sống sung túc, diện mạo sạch sẽ, thôn xóm văn minh, quản lý dân chủ". Cho dù mục tiêu đó còn phải phấn đấu trong hai thập kỷ, nhưng đó là “ý Đảng” và cũng chính là “lòng dân”. Và, thực tế đã chỉ ra rằng một khi ý Đảng hợp lòng dân thì chắc chắn không có gì có thể ngăn cản chúng ta thực hiện, miễn là “Trong cái khó phải ló được cái khôn”, phải biết kiên trì vận động, thuyết phục, trong đó công tác dân vận của hệ thống chính trị phải được đặt lên hàng đầu.
Đức Khai