Nền tảng của sự phát triển
Toàn tỉnh có diện tích tự nhiên 3.360 km2, trong đó đất lâm nghiệp chiếm phần lớn với 186.928 ha, còn đất sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm gần 70.000 ha. Tuy diện tích tự nhiên không lớn, nhưng tỉnh ta lại có các vùng khí hậu đa dạng hình thành nên 3 tiểu vùng kinh tế rõ rệt: vùng biển, vùng đồng bằng và miền núi gắn với các tiềm năng, lợi thế trên nhiều lĩnh vực. Với đặc điểm đó, những năm qua, ngoài việc tập trung khai thác tốt ngành kinh tế biển, tỉnh ta còn tận dụng có hiệu quả diện tích đất trống, đất rừng để phát triển mạnh ngành chăn nuôi gia súc như: bò, dê, cừu với tổng đàn hiện có gần 250.000 con, đưa tổng sản lượng thịt hơi bán ra trong năm đạt gần 21.000 tấn. Đặc biệt, với tiềm năng đất có khả năng đưa vào sản xuất nông nghiệp còn lớn và một số công trình thủy lợi đã được đầu tư trong thời gian qua đã tạo điều kiện để tỉnh phát triển các loại cây trồng có năng suất, chất lượng cao và có khả năng sản xuất được nhiều vụ trong năm như: lúa, bắp, nho, mía, thuốc lá, mì, hành, tỏi, táo...
Nông dân thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải thu hoạch nho. Ảnh: Văn Miên
Bước đột phá của ngành Nông nghiệp tỉnh ta trong những năm gần đây đó là đã bắt đầu định hình được nền sản xuất hàng hóa. Bằng sự hỗ trợ tích cực của Trung ương và ngành Nông nghiệp, nhiều vùng nông thôn trong tỉnh đã hình thành những mô hình sản xuất có hiệu quả như: Mô hình luân canh cây trồng trên đất ruộng chủ động nước; mô hình luân canh cây trồng trên đất trồng cạn; mô hình liên kết “bốn nhà” để sản xuất tiêu thụ sản phẩm lúa giống, bắp lai, đậu xanh; mô hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản như thuốc lá, mía đường, mì; mô hình hợp tác xã nông nghiệp để cơ giới hóa các khâu thu hoạch, làm đồng... giải phóng sức lao động cho nông dân.
Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố khảo nghiệm đưa giống lúa mới vào gieo trồng
đại trà nâng cao năng suất, chất lượng nông sản hàng hóa. Ảnh: Sơn Ngọc
Cùng với việc định hình các mô hình sản xuất, công tác tiếp nhận chuyển giao khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp cho nông dân cũng luôn được ngành hết sức quan tâm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hàng năm các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ta như Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố, Trung tâm Thực nghiệm và Sản xuất giống Nha Hố,... đã có chính sách đầu tư và hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân trong tỉnh từ 1.500 - 2.000 ha các loại cây trồng như: Mía đường, lúa giống, bắp lai, thuốc lá... Cùng với đó, được sự hỗ trợ của Dự án Cạnh tranh nông nghiệp, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đầu tư, việc sản xuất các loại giống trong nông nghiệp ở tỉnh ta không chỉ mở rộng thêm diện tích mà còn xây dựng được thương hiệu bài bản. Năng suất, chất lượng các loại cây trồng từ đó cũng tăng rất đáng kể. Cụ thể như đối với cây lúa, năm 2005 năng suất bình quân chỉ đạt 45,5 tạ/ha, thì đến năm 2010 đạt 54 tạ/ha và dự kiến năm 2011 đạt khoảng 55 tạ/ha. Các loại cây công nghiệp như thuốc lá năm 2005 chỉ đạt 20 tạ/ha, đến năm 2010 tăng lên 24 tạ/ha; mía từ 49 tấn/ha lên 51 tấn/ha; nho từ 16 tấn/ha lên 23,5 tấn/ha. Nhờ đó, góp phần đưa giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh trong giai đoạn 2006 – 2010 đạt bình quân 10,8%; GDP bình quân tăng 12,1%/năm; giá trị sản xuất trên đất chủ động nước đạt 55 triệu đồng/ha; độ che phủ rừng đạt 44,3%. Riêng trong năm 2011, tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản tăng 7,28% so với năm 2010. Sản lượng lương thực có hạt đạt trên 273 ngàn tấn, tăng 16,5% so với năm 2010.
Xây dựng nền sản xuất nông nghiệp chất lượng
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2011-2015 đã xác định, trong 5 năm tới ngành Nông nghiệp vẫn được xem là ngành kinh tế mũi nhọn, được quan tâm khuyến khích đầu tư. Theo đó, ngành NN&PTNT đã định hướng mục tiêu phát triển tổng quát từ nay đến năm 2015, đó là: Tiếp tục xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa có năng suất và sức cạnh tranh cao trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến. Thực hiện tốt chủ trương xây dựng nông thôn mới. Khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế kinh tế biển, bao gồm cả về đánh bắt, nuôi trồng, chế biến và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Phấn đấu kết thúc giai đoạn 2011-2015, ngành đạt các chỉ tiêu chủ yếu: giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng bình quân trên 7%/năm; nâng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 60 triệu/ha; đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính, chiếm tỷ trọng từ 35-40%; độ che phủ rừng đạt 45%; tỷ lệ người dân nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh đạt 95%.
Phát triển đàn gia súc - một trong những thế mạnh của ngành Nông nghiệp. Ảnh: Hữu Thành
Để thực hiện đạt các mục tiêu nói trên, thời gian tới, ngoài việc tranh thủ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ để triển khai tốt các chương trình, đề án như: Chương trình phát triển nông thôn mới cho 47 xã; đề án đào tạo nghề cho nông dân..., ngành Nông nghiệp sẽ xây dựng và triển khai đồng bộ các chương trình về chuyển giao khoa học-kỹ thuật trong nông, lâm nghiệp và thủy sản.Tiếp tục hỗ trợ sản xuất, xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, hợp tác liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho người nông dân. Cùng với đó, ngành tập trung xây dựng các chương trình, dự án có tính đột phá như: Dự án giống công nghệ cao, dự án kêu gọi đầu tư trong sản xuất tôm giống, nuôi tôm thương phẩm, nuôi trồng trên biển, trồng rừng bằng cây công nghiệp, cây cao su, mở rộng diện tích trồng cây ăn quả...
Nông dân áp dụng rộng rãi máy gặt đập liên hợp vào đồng ruộng giảm thất thoát sau thu hoạch.
Trong ảnh: Mùa thu hoạch lúa của nông dân xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước. Ảnh: Sơn Ngọc
Đồng chí Nguyễn Đức Thu, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Trong các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu trên, ngành NN&PTNT xác định trước hết phải quan tâm rà soát và điều chỉnh quy hoạch tổng thể theo hướng khai thác các thế mạnh của địa phương và đáp ứng các yêu cầu của thị trường. Trong đó, về chăn nuôi sẽ khuyến khích và tạo điều kiện để nông dân xây dựng các mô hình phát triển chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp để tăng năng suất và chất lượng đàn. Về sản xuất nông nghiệp và thủy sản, tập trung xây dựng và nhân rộng các chương trình về chuyển giao khoa học-kỹ thuật với trọng tâm là chuyển giao các giống mới, kỹ thuật canh tác mới đối với các cây, con chủ lực của tỉnh như sản xuất tôm thương phẩm, tôm giống, sản xuất nho,... theo hướng liên kết nông dân thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết với các doanh nghiệp ưu tiên tạo đầu ra cho các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của địa phương.
Nghề nuôi tôm thẻ chân trắng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân các xã ven biển trên địa bàn tỉnh.
Ảnh: Sơn Ngọc
Với quyết tâm cao của toàn ngành, tin rằng nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà sẽ phát triển nhanh, vững chắc và chất lượng trong những năm tới, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, thực hiện thắng lợi NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đề ra.
Văn Thanh