Tác động từ vốn vay ngân hàng đối với nông nghiệp, nông thôn địa phương

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Ninh Thuận là ngân hàng thương mại nhà nước có trách nhiệm cung ứng vốn cho nền kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và kinh tế nông thôn.

(NTO) Bà Vũ Thị Nhung, Giám đốc Agribank- chi nhánh Ninh Thuận, cho biết: “Trong 10 năm qua, Ngân hàng luôn bám sát vào các chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương để đưa vốn xuống cho người dân, tỷ trọng đầu tư vốn cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn luôn chiếm trên 70% tổng dư nợ của chi nhánh”.

 
Cho vay vốn tín dụng tại Agribank Ninh Sơn

Theo báo cáo của chi nhánh Agribank Ninh Thuận, nguồn vốn huy động tại đây liên tục phát triển với tốc độ tăng bình quân từ 15 - 20%/năm. Nếu năm 2000, nguồn vốn huy động chỉ đạt 350 tỷ đồng thì đến năm 2010 con số đó là 1.295 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 84% trong nguồn vốn nên Agribank đã chủ động đáp ứng được nhu cầu về vốn cho phát triển kinh tế địa phương. Vốn của Agribank là tác nhân chính trong đầu tư sản xuất nông nghiệp và hình thành các vùng chuyên canh của tỉnh. Hằng năm, Agribank Ninh Thuận đã có các chương trình đầu tư tín dụng riêng cho khu vực nông thôn và nông dân như: Chương trình đầu tư vốn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; chương trình phát triển trang trại chăn nuôi; chương trình đầu tư cho nuôi trồng và đánh bắt thủy sản…Đến cuối năm 2010, trong tổng dư nợ 1.595 tỷ đồng (tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân 20-25%) tại Agribank tỉnh, đã có 1.156 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 72,5%) là dư nợ đầu tư tín dụng cho nông nghiệp và kinh tế nông thôn.

 
Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, nông dân Hòa Sơn đầu tư phát triển sản xuất cây mì.

Đặc biệt từ khi Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12-4-2010 của Chính phủ về "Chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn” được thực hiện, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh ta có thêm điểm tựa vững chắc cho phát triển kinh tế, người nông dân đã mạnh dạn xây dựng dự án vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, với trách nhiệm cung ứng vốn cho sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, Agribank Ninh Thuận đã cùng Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tỉnh triển khai rộng rãi chính sách này đến các vùng nông thôn. Để đầu tư tín dụng cho lĩnh vực này, ngoài nguồn vốn huy động tại chỗ, Agribank Ninh Thuận đã được hỗ trợ 310 tỷ đồng từ nguồn vốn vay tái cấp của Ngân hàng Nhà nước. Sau hơn một năm triển khai thực hiện, đến thời điểm cuối tháng 9 năm 2011, Agribank tỉnh đã giải ngân 1.277 tỷ đồng đầu tư cho phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, chiếm tỷ trọng 76,6% tổng dư nợ, với 32.181 khách hàng là cá nhân, hộ gia đình và 5 doanh nghiệp được vay vốn. Nhờ đồng vốn tín dụng của ngân hàng mà hàng ngàn hộ nông dân tại các huyện, thành phố trong tỉnh có điều kiện mở rộng sản xuất, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã vượt qua khó khăn, làm ăn có lãi, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Tác động từ vốn vay Agribank rõ nhất tại huyện Ninh Sơn, một huyện miền núi còn nhiều khó khăn và thách thức. Với diện tích 17.000 ha đất canh tác, Ninh Sơn có thổ nhưỡng phù hợp để phát triển những cây trồng có giá trị kinh tế cao như mía, khoai mì, thuốc lá và các loại cây ăn trái. Để góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế về đất đai, tính đến cuối năm 2011, Chi nhánh Agribank Ninh Sơn đã đầu tư vốn trên địa bàn ước đạt 278 tỷ đồng, trong đó 88% dư nợ là đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn. Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Quang Siêu, Phó Giám đốc Agribank Ninh Sơn nói: “Thực hiện đầu tư tín dụng có hiệu quả đã giúp khai thác được thế mạnh của địa phương, đặc biệt là tại các xã Hòa Sơn, Quảng Sơn, nông dân đã có vốn đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía và khoai mì, bộ mặt nông thôn nhờ vậy đã thay đổi hẳn”. Người nông dân tăng thu nhập, có tiền tích lũy là yếu tố giúp công tác huy động vốn của Agribank Ninh Sơn tăng 34% so với đầu năm, ước đến cuối năm 2011 tổng nguồn vốn huy động là 223 tỷ đồng.

Đến Hòa Sơn, một xã thực hiện hiệu quả về đầu tư tín dụng nông nghiệp-nông thôn, chúng tôi ghi nhận được nhiều tấm gương tiêu biểu của nông dân vay vốn ngân hàng vươn lên trong cuộc sống. Ở thôn Tân Hiệp có các ông Nguyễn Văn Thành, Ngô Đình Phát, Nguyễn Hữu Thành và thôn Tân Lập có ông Huỳnh Văn Hòa, bà Nguyễn Thị Hương đều là những nông dân giàu lên nhờ nguồn vốn vay Agribank. Ông Nguyễn Văn Thành tâm sự: “Trước đây, hầu như tôi chỉ có 2 bàn tay trắng, đầu tiên tôi vay vốn mua bò về nuôi, cứ thế tích lũy dần vốn mua được 7 ha đất canh tác. Cuối năm ngoái tôi được Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho vay 150 triệu đồng để mua chiếc máy cày cỡ trung, thu nhập gia đình theo đó đã tăng đáng kể, hiện tôi chỉ còn nợ ngân hàng 30 triệu đồng”. Theo anh Nguyễn Văn Tòa, cán bộ tín dụng xã Hòa Sơn, nếu năm 2009 nợ quá hạn của địa phương có 50% thì nay đã giảm chỉ còn 4%, điều này chứng minh người nông dân phát huy hiệu quả vốn vay trong sản xuất, kinh doanh.

Từ kết quả mang lại qua thực hiện chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ, Agribank Ninh Thuận tiếp tục phối hợp cùng Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tỉnh triển khai thỏa thuận hợp tác liên ngành để thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP, theo kế hoạch năm 2012, sẽ cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn 1.700 tỷ đồng, trong đó bố trí 65 tỷ đồng vốn thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch theo Quyết định số 63 của Thủ tướng Chính phủ. Nhận thức rõ đặc thù tỉnh ta là tỉnh có hơn 70% lao động hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank Ninh Thuận quyết tâm đẩy mạnh đầu tư vốn tín dụng kích thích phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở tỉnh ta.