Đó là ý kiến của ông Đỗ Thức, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại cuộc Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội năm 2011, ngày 29/12, tại Hà Nội.
Theo ông Đỗ Thức, việc Chính phủ chủ trương thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa chặt chẽ trong năm 2011 với mức cung tiền (M2) chỉ tăng 10%, dư nợ tín dụng tăng 12 % là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, lạm phát có nguyên nhân từ nhiều năm trước.
Ông Đỗ Thức cho rằng, hiệu quả đầu tư các năm trước chưa cao, những vấn đề này tích tụ trong nhiều năm, cộng hưởng với những khó khăn chung của kinh tế thế giới như giá nguyên, nhiên liệu tăng thất thường, giá dầu, giá vàng tăng cao, khủng hoảng nợ công bùng phát ở nhiều nước, gây sức ép rất lớn đẩy lạm phát tăng cao.
Tổng cục Thống kê đã dùng mô hình đánh giá, có mối quan hệ chặt chẽ giữa các mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) gắn với mức cung tiền (M2), vòng quay tiền tệ và tăng trưởng. "Nếu không kiểm soát cung tiền chặt chẽ để tăng M2 lên 15% thì tốc độ CPI sẽ lên tới 25% chứ không phải 18,13% như đã diễn ra“, ông Đỗ Thức phân tích.
Lãnh đạo Tổng cục Thống kê nhận định, khả năng lạm phát tiềm năng các nhà kinh tế tính được năm 2012 khoảng trên 10,5%, (lạm phát tiềm năng thường cao hơn lạm phát thực tế), dù còn nhiều thách thức, có thể tin mục tiêu kéo giảm mức lạm phát một con số trong năm 2012 sẽ thực hiện được, một trong những điều kiện quan trọng để thực hiện mục tiêu đó là cung tiền (M2) không tăng cao.
Việc các ngân hàng thương mại triển khai việc phân loại cho vay tùy loại đối tượng, lĩnh vực, thực hiện ưu đãi lãi suất có mục tiêu như: xuất khẩu, thúc đẩy sản xuất, tạo ra lợi thế cạnh tranh... là một hướng đi đúng. Nếu triển khai hạ được lãi suất cho vay, thu hẹp chênh lệch giữa cho vay và huy động vốn của ngân hàng thì sẽ góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2012.
Nguồn www.chinhphu.vn