(NTO) Cụ thể, trong số 12/21 chỉ tiêu kinh tế- xã hội đạt và vượt kế hoạch, trong đó về kinh tế 5/10 chỉ tiêu. Theo đó, tổng sản phẩm nội địa (GDP) đạt tốc độ tăng trưởng 10,6%, GDP bình quân đầu người đạt 16,3 triệu đồng, tăng 2,7 triệu đồng so kế hoạch. Trong chỉ số tăng trưởng chung nói trên khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 43,1%, công nghiệp-xây dựng chiếm 21,9%, dịch vụ chiếm 35%. Điều cũng rất đáng ghi nhận là tổng thu ngân sách trên địa bàn đã vượt qua con số 1.000 tỷ đồng, đạt 1.156 tỷ đồng, vượt 23,6% dự toán năm; Giá trị kim ngạch xuất khẩu ước đạt 72 triệu USD, bằng 102,8% kế hoạch, tăng 53,4% so với cùng kỳ; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 6.350 tỷ đồng, bằng 89,4% kế hoạch, tăng 17%...Những kết quả đó thể hiện sự nỗ lực vượt bậc của toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, đồng thời tạo tiền đề để phát triển cho năm kế hoạch “bản lề” 2012.
Mô hình nhà chung cư khu đô thị cao cấp Tp. Phan Rang - Tháp Chàm.
Đánh giá đầy đủ những thuận lợi và khó khăn cả khách quan và chủ quan, tỉnh ta xác định mục tiêu tổng quát cho năm 2012 đó là, tiếp tục thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2011, chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Theo đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh đạt 14-15%, GDP bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng; giá trị gia tăng các ngành: nông, lâm nghiệp tăng 4-5%, thuỷ sản tăng 5-6%, công nghiệp-xây dựng tăng 23-24%, dịch vụ tăng 14-15%; Cơ cấu kinh tế: nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 39-40%, công nghiệp-xây dựng chiếm 24-25%, dịch vụ chiếm 35-36%; Thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.235 tỷ đồng, tăng 6,8% so với năm 2011; Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 80 triệu USD tăng 11%; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 8.650 tỷ đồng tăng 36%. Để thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu nêu trên, tỉnh xác định các nhóm giải pháp chủ yếu như sau :
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực và hiệu quả, thông tin đầy đủ, kịp thời về những chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước và của tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, để tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Hệ thống siêu thị, chợ được đầu tư mở rộng, phục vụ nhu cầu tiêu dùng
của nhân dân trong tỉnh. Ảnh: DL
Hai là, huy động tốt nhất các nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội quan trọng, phát triển các ngành kinh tế trụ cột và đầu tư thực hiện mục tiêu an sinh xã hội. Trong đó, trước hết là tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của Trung ương, chủ động tiếp cận các nhà tài trợ nhằm huy động các nguồn vốn ODA, huy động các nguồn vốn khác để tập trung đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, cơ sở hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục ở vùng nông thôn, vùng nghèo. Ban hành danh mục dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT… để kêu gọi đầu tư. Rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư nhằm huy động tốt nhất các nguồn lực các thành phần kinh tế, đặc biệt là thu hút nguồn vốn FDI có vai trò hết sức quan trọng khai thác tiềm năng lợi thế của tỉnh về năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), du lịch, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao…
Ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước theo hướng tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức các cơ quan nhà nước; tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc ngay tại cơ sở, nhất là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất đai; chủ động trong tham mưu đề xuất, nâng cao hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức; nâng cao khả năng cụ thể hóa kịp thời các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương.
Bốn là, chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế, cập nhật thông tin diễn biến kinh tế thế giới để nâng cao chất lượng dự báo, phân tích, tăng cường quảng bá thương hiệu các sản phẩm đặc thù của tỉnh, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, tăng cường công tác đào tạo đội ngũ quản lý làm công tác đối ngoại, xúc tiến đầu tư và quản lý doanh nghiệp.
Năm là, tăng cường khoa học-công nghệ, bảo vệ môi trường, phát triển theo mô hình kinh tế xanh, sạch để phát triển bền vững theo hướng đẩy mạnh hợp tác liên kết với tổ chức khoa học có uy tín trong và ngoài nước, chuyển giao công nghệ ứng dụng vào sản xuất, nhất là các lĩnh vực năng lượng, giống cây trồng, vật nuôi theo công nghệ sạch, nghiên cứu công nghệ mới thân thiện môi trường...
Động lực để tạo đà cho năm 2012 chính là thực hiện toàn diện và có hiệu quả các nhóm giải pháp nêu trên nhằm tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, tạo đà phát triển vững chắc cho năm 2012 và cả những năm tiếp theo.
Tuấn Dũng