(NTO) Tuy nhiên việc phát triển làng nghề tại tỉnh ta lại gặp nhiều trở ngại do thiếu và khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, việc xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm cho làng nghề chưa được chú trọng…Vì thế việc nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước, thế giới của các sản phẩm như làng nghề dệt thổ cẩm, gốm Bàu Trúc còn khó khăn.
Sản xuất những mặt hàng lưu niệm với nhiều mẫu mã phong phú.
Các làng nghề truyền thống Chăm tại tỉnh ta được hình thành rất lâu đời và gắn với giá trị văn hóa được thể hiện rõ nét trên các sản phẩm, thông qua bàn tay khéo léo và kỹ thuật tinh xảo của các nghệ nhân được lưu truyền hàng trăm năm nay đang được kế thừa và khôi phục.
Hiện nay làng nghề gốm Bàu Trúc có 117 hộ làm nghề và 100 hộ tham gia sản xuất, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động, sản lượng hàng năm đạt khoảng 100.000 – 120.000 sản phẩm các loại. Làng Mỹ Nghiệp và Chung Mỹ, hơn 70% dân số sống bằng nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Ngoài những sản phẩm mang tính truyền thống, các cơ sở dệt còn làm ra những mặt hàng lưu niệm với nhiều chủng loại, mẫu mã phong phú như: cà vạt, túi xách, ví, áo ghi lê, ba lô… doanh thu hàng năm của nghề dệt thổ cẩm từ 10 – 15 tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động 1 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên “đầu ra” của sản phẩm đang là vấn đề bức xúc lớn nhất của những người làm nghề, vì số lượng sản phẩm bán ra không ổn định, giá cả bấp bênh…
Nghề làm gốm mỹ nghệ là nguồn thu nhập chính nâng cao đời sống đồng bào Chăm làng Bàu Trúc,
Phước Dân, Ninh Phước. Ảnh: Sơn Ngọc
Hầu hết sản phẩm làng nghề vẫn đang vấp phải nhiều khó khăn khi tìm cho mình một chỗ đứng trên thị trường. Trong khi đó, theo đánh giá chất lượng của sản phẩm làng nghề còn chưa đồng đều, kiểu dáng mẫu mã lại đơn điệu, chưa theo kịp thị hiếu của người tiêu dùng. Các làng nghề còn lúng túng trong việc quảng bá thương hiệu sản phẩm của mình. Tâm lý sản phẩm đã có truyền thống lâu đời thì ắt sẽ được mọi người ghi nhận nên chưa quan tâm đến việc đăng ký thương hiệu.
Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ nhiệm HTX Làng nghề Mỹ Nghiệp cho biết: “Hiện nay mô hình HTX đang hoạt động rất có hiệu quả trong việc giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm. Nhưng để phát triển, mở rộng thương hiệu làng nghề Mỹ Nghiệp thì cần phải theo hướng gắn sản xuất với du lịch”. Thực tế hiện nay, hầu hết các làng nghề vẫn chỉ làm kinh tế đơn thuần, chưa biết kết hợp với việc phát huy các giá trị truyền thống để phát triển du lịch ngay tại làng nghề. Vấn đề hợp tác, liên kết giữa các làng nghề cũng rất quan trọng. Khi các sản phẩm làng nghề chưa có thương hiệu thì việc xuất khẩu hàng hóa vẫn phải qua trung gian, vừa kém lợi nhuận, vừa không tránh khỏi tình trạng bị động trong sản xuất, kinh doanh, bị đối tác ép giá khiến hiệu quả sản xuất không cao.
Nghề làm đũa phát triển trên địa bàn xã Lương Sơn (Ninh Sơn) tạo việc làm cho lao động nông thôn
có thu nhập trên 2,5 triệu đồng/tháng. Ảnh: Sơn Ngọc
Ông Nguyễn Thanh Hoan, Giám đốc Sở Công Thương cho rằng: Thương hiệu của một làng nghề bao gồm các yếu tố: Sản phẩm, chất lượng, lịch sử, yếu tố văn hóa, giá cả…, trong đó, yếu tố chất lượng đóng vai trò rất quan trọng. Nhiều sản phẩm làng nghề của chúng ta đảm bảo các yếu tố lịch sử, văn hoá,… nhưng riêng về chất lượng lại đang có vấn đề. Xây dựng thương hiệu cho sản phầm làng nghề là câu chuyện dài hơi và khó khăn, do vậy, mỗi địa phương, làng nghề cần có cái nhìn toàn diện và quan tâm đúng mức tới vấn đề này. Để làm được điều này, trước mắt cần tổ chức sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo đòn bẩy cho công tác xúc tiến thương mại. Chính đây là những yếu tố giúp sản phẩm làng nghề khẳng định được chất lượng sản phẩm, đưa hàng Việt tiếp cận tốt hơn với người tiêu dùng.
Đàng Xem là nghệ nhân tiêu biểu của làng gốm Bàu Trúc. Anh sử dụng chất liệu gốm chế tác
nhiều tác phẩm nghệ thuật được thị trường ưa chuộng. Ảnh: Sơn Ngọc
Gia đình nghệ nhân Đàng Xem, là cơ sở sản xuất gốm có truyền thống lâu đời nhất tại Làng gốm Bàu Trúc, ông chia sẻ: “Lâu nay các sản phẩm chúng tôi làm ra đều được tiêu thụ hết nhưng thị trường vẫn chưa được mở rộng. Chúng tôi cũng muốn xây dựng một thương hiệu riêng cho làng nghề để mọi người biết đến các sản phẩm của chúng tôi nhiều hơn”.
Được biết, để giúp các làng nghề xây dựng thương hiệu, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt và đang triển khai Đề án “Hỗ trợ phát triển Làng nghề, xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc thù giai đoạn 2011-2015” với nguồn vốn đầu tư 35 tỷ đồng. Gồm các chương trình hỗ trợ như: Đào tạo, nâng cao tay nghề; xây dựng quy hoạch và đầu tư phát triển vùng nguyên liệu; công tác xúc tiến thương mại, đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị; xử lý môi trường; đầu tư xây dựng mô hình sản xuất tập trung gắn với phát triển du lịch; hỗ trợ nhu cầu vốn vay để phát triển sản xuất kinh doanh…Trước mắt, ưu tiên khôi phục 8 làng nghề đã có từ lâu đời nhưng đang có nguy cơ mai một, thất truyền.
Việc xây dựng thương hiệu cho làng nghề đang là vấn đề đặt ra cho các cấp các ngành và cần có sự quan tâm hơn nữa cho cơ sở để các làng nghề tỉnh nhà có thể phát triển bền vững, khẳng định chỗ đứng đối với người tiêu dùng trong nước cũng như quốc tế.
Hàn Dạ Nguyệt