(NTO) Là một trong những đơn vị cung cấp hàng hóa hàng đầu tại thị trường tỉnh nhà, Co.op Mart Thanh Hà luôn có những chương trình khuyến mãi, tổ chức những đợt đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa phục vụ người dân. Theo ông Nguyễn Thành Trai, Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà, những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn này đơn vị không thể có lãi, bởi chi phí vận chuyển đi lại, nhân công… rất tốn kém. Tuy nhiên, đơn vị vẫn cố gắng duy trì và thực hiện với mong muốn góp phần thúc đẩy phong trào người Việt dùng hàng Việt trong nhân dân.” Cao điểm của phong trào “Người Việt dùng hàng Việt” là tháng “Tự hào hàng Việt”, được Co.op Mart Thanh Hà tổ chức vào tháng 9 hàng năm với chương trình khuyến mại giảm giá đến 50% các mặt hàng Việt. Chương trình đã thu hút một lượng khá lớn khách hàng tham dự và mua sắm.
Giá rẻ và chất lượng cao là con đường để hàng nội chinh phục người tiêu dùng trong nước. Ảnh: V.Thanh
Trong năm, Sở Công Thương đã phối hợp với các ban, ngành, các doanh nghiệp trong tỉnh tổ chức thành công các “Hội chợ Thương mại – Du lịch Ninh Thuận 2011”; “Hội chợ Thương mại – Du lịch – Làng nghề gắn với Lễ hội Ka-tê tỉnh Ninh Thuận 2011”; Phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại huyện Ninh Hải; Chợ phiên Ma Nới. Đặc biệt, hiện nay tỉnh đã hỗ trợ 15 tỷ đồng cho chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong những ngày Tết Nhâm Thìn và hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Nhân dân huyện Ninh Hải chọn mua sản phẩm tại phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn”.
Sở Công Thương cũng tăng cường công tác vận động các doanh nghiệp tăng tỷ lệ hàng nội địa trong hệ thống các mặt hàng bán buôn, bán lẻ của đơn vị. Theo đánh giá, tỷ lệ hàng tiêu dùng nội địa của các doanh nghiệp đạt trên 95%. Trong năm 2011, Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà, Cty CP Lương thực Nam Trung Bộ tại Ninh Thuận tổ chức thực hiện 47 đợt “Đưa hàng Việt về nông thôn” trên địa bàn 6 huyện, với tổng doanh số bán hàng trên 1.929 triệu đồng.
Có thể nói, cùng với sự tuyên truyền, vận động của ngành chức năng, các cơ quan thông tấn báo chí và sự chung tay từ phía các doanh nghiệp, người tiêu dùng, hàng Việt trên thị trường nội địa đang ngày càng lớn mạnh và chiếm được lòng tin, sự lựa chọn của người tiêu dùng. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi thời gian vừa qua, những thông tin cảnh báo về các nguy cơ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe cho người tiêu dùng khi sử dụng các mặt hàng hàng ngoại “dởm”, kém chất lượng khiến người tiêu dùng e dè và cảnh giác.
Thị trường hàng hóa khá phức tạp, khó khăn trong công tác quản lý bởi có sự thâm nhập của nhiều nguồn hàng hóa, hơn nữa trình độ hiểu biết của người tiêu dùng còn nhiều hạn chế, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đây là mảnh đất màu mỡ cho các mặt hàng “dởm”, kém chất lượng hoạt động. Tuy nhiên, chính từ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt”, người tiêu dùng vùng sâu, vùng xa trong tỉnh đã biết đến nhiều hơn các mặt hàng Việt có chất lượng cao, góp phần không nhỏ tạo nên sự lớn mạnh của phong trào trong thời gian qua.
Gặp chị Lê Thị Minh, ở khu phố 3, thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn tại Hội chợ Hàng Việt về nông thôn, chia sẻ: “Thông thường, trước đây tôi quan tâm nhiều đến giá cả và tính hữu dụng của hàng hoá, ít chú ý đến nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, nhưng sau khi nghe báo đài tuyên truyền về sự nguy hại tiềm ẩn của các mặt hàng Trung Quốc, tôi đã dè chừng hơn. Tốt nhất là nên chọn hàng Việt Nam vì giá thành cạnh tranh, lại an toàn”. Đồng quan điểm như chị Minh; anh Hà, hiện đang công tác tại một cơ quan Nhà nước cũng khẳng định: “Mua hàng ngoại, nếu là hàng ngoại “xịn” thì giá thành rất cao, còn là hàng ngoại “dởm” thì chưa biết chất lượng thế nào, hơn nữa có thể còn phải đối mặt với những nguy cơ mất an toàn khác… Vậy nên, dùng hàng Việt cho yên tâm, giá cả lại phải chăng, hơn nữa dùng hàng Việt chính là sự thể hiện lòng yêu nước.”.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hoan, Giám đốc Sở Công Thương, khẳng định: “Phong trào người Việt dùng hàng Việt trong năm qua đã tạo ra nhiều bước chuyển tích cực trên thị trường tỉnh nhà, đặc biệt là ở thị trường vùng sâu, vùng xa. Người tiêu dùng tỉnh nhà đã quan tâm, lựa chọn nhiều hơn các mặt hàng Việt. Điều này không chỉ có ý nghĩa đối với các đơn vị, doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước mà còn là tín hiệu vui cho thấy người tiêu dùng trong tỉnh luôn dành sự quan tâm, ưu ái rất lớn cho các mặt hàng “Made in Việt Nam”.
Việc tiếp cận để kết nối giữa “ba nhà”: nhà sản xuất, nhà bán lẻ với nhà phân phối nhằm đưa hàng hóa đến từng địa bàn nông thôn thực sự đạt đến đích cuối cùng là đưa hàng Việt chiếm lĩnh thị trường nông thôn và tạo điều kiện để người dân nông thôn thực sự được dùng các sản phẩm Việt chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá rẻ. Với cái nhìn đầy lạc quan về tiêu dùng hàng Việt Nam trong năm 2012, Giám đốc Sở Công Thương khẳng định, cuộc vận động sẽ tiếp tục tạo sức hút và nâng cao ý thức “Người Việt dùng hàng Việt” của người tiêu dùng qua các chương trình hội chợ cũng như mở rộng các hệ thống phân phối, đại lý tại các vùng sâu, vùng xa trong tỉnh với sự cạnh tranh về chất lượng, giá cả, mẫu mã sản phẩm...
Hàn Dạ Nguyệt