(NTO) Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cũng đã trực tiếp kiểm tra việc thi công tuyến đường ven biển. Đồng chí chỉ đạo Sở Giao thông vận tải đôn đốc các nhà thầu dồn sức quyết liệt thi công các dự án hợp phần bảo đảm tuyến đường hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2013, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội địa phương.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kiểm tra thi công tuyến đường ven biển Ninh Thuận. Ảnh: Văn Miên
Với chiều dài 106 cây số, tuyến đường giao thông ven biển là “huyết mạch” quan trọng tạo động lực phát triển kinh tế tỉnh nhà tăng trưởng nhanh, bền vững. Tổng nguồn vốn đầu tư cho dự án trên 4.495 tỉ đồng gồm 8 hợp phần do 16 nhà thầu đảm nhận thi công. Ngày 17- 10- 2009, dự án giao thông ven biển Ninh Thuận chính thức khởi công tại cầu Ninh Chữ. Đây là một trong hai cây cầu “chủ lực” trên toàn tuyến có chiều dài 1.852 mét, vốn đầu tư 192,7 tỉ đồng. Sau cầu Ninh Chữ là các dự án hợp phần trên toàn tuyến lần lượt được khởi công: Phú Thọ- Mũi Dinh, Bình Tiên- Vĩnh Hy, cầu An Đông, Ninh Chữ- Phan Rang, Hiệp Kiết- Bình Tiên, Mũi Dinh- Cà Ná, Vĩnh Hy- Ninh Chữ. Công trình đạt tiêu chuẩn đường đô thị rộng 27 mét, mặt đường hai làn xe rộng 14 mét thảm bê tông nhựa nóng. Đến nay, dự án hợp phần Bình Tiên- Vĩnh Hy hoàn thành trên 60% khối lượng; cầu Ninh Chữ hoàn thành 35% khối lượng; Phú Thọ- Mũi Dinh hoàn thành 65% khối lượng. Các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công trên toàn tuyến bảo đảm hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2013.
Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra việc thi công
tuyến Mũi Dinh- Cà Ná tại khu vực Mũi Sừng thuộc thôn Thương Diêm, xã Phước Diêm.
Đi dọc tuyến đường ven biển giữa mùa xuân mới, chúng tôi gặp không khí lao động khẩn trương của hàng trăm công nhân tất bật làm việc trên công trường nắng gió. Khi tuyến đường chính thức thông xe trải dài trên địa bàn 5 huyện, thành phố ven biển tạo nên diện mạo mới cho đời sống kinh tế- xã hội nhân dân tỉnh nhà. Các nhà hoạch định chiến lược của tỉnh sắp xếp lại việc bố trí dân cư vùng ven biển, phòng tránh bão lũ, giảm nhẹ thiên tai và bảo đảm an sinh xã hội. Tuyến đường ven biển phục vụ đắc lực cho việc thi công, khai thác hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam được xây dựng tại Vĩnh Trường và Thái An có công suất 4.000 MW. Phát biểu tại Hội nghị công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội đến năm 2020 và Xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: ”Trong chiến lược biển Việt Nam, Ninh Thuận trở thành một đầu mối kinh tế của vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Đặc biệt, Ninh Thuận là nơi được chọn để xây dựng hai nhà máy Điện hạt nhân đầu tiên của cả nước, với tổng vốn đầu tư khoảng 16 tỷ USD, bằng công nghệ tiên tiến nhất và an toàn nhất của thế giới. Đây là cơ hội rất lớn để Ninh Thuận tạo bước đột phá, đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững”.
Các đơn vị thi công đoạn đường Phú Thọ- Mũi Dinh . Ảnh: Văn Miên
Tuyến đường ven biển còn phục vụ khai thác hiệu quả quỹ đất phục vụ thủy sản, du lịch, công nghiệp. Đồng thời phục vụ nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng- an ninh biển đảo của tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ. Theo quy hoạch của tập đoàn Monitor, vùng ven biển Ninh Thuận tạo động lực cho sự thịnh vượng kinh tế của toàn tỉnh tập trung ưu tiên phát triển sáu nhóm ngành: Năng lượng, du lịch, nông lâm, thủy sản, sản xuất chế biến, giáo dục-đào tạo, xây dựng và kinh doanh bất động sản. Cùng với hệ thống giao thông thuận lợi trên địa bàn tỉnh, tuyến đường ven biển góp phần quan trọng xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến của Việt Nam trong tương lai. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2011- 2015, cũng đã xác định tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của Trung ương, huy động mọi nguồn lực phấn đấu hoàn thành nhanh tuyến đường ven biển từ Hiệp Kiết đi Cà Ná và nâng cấp tuyến đường từ sân bay quốc tế Cam Ranh đến Phan Rang nhằm khai thác lợi thế gần sân bay, cảng biển để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Thi công đoạn Vĩnh Hy- Bình Tiên trên tuyến đường ven biển. Ảnh: V.Miên
Đi theo tuyến đường ven biển đến Vĩnh Trường, chúng tôi tìm gặp trưởng thôn Nguyễn Thành Du. Trao đổi với người có thâm niên 25 năm “vác tù và”, chúng tôi được biết làng biển Vĩnh Trường được hình thành trên 200 năm. Trước đây, thôn Vĩnh Trường không có đường giao thông. Người dân phải đi bộ vô Sơn Hải hoặc ra Từ Thiện mới có thể đón xe về Phan Rang. Đến năm 1992, Nhà nước đầu tư mở đường liên thôn Vĩnh Trường- Sơn Hải. Có đường ô tô vô làng vận chuyển hàng hóa thông thương giúp người dân địa phương vươn lên làm giàu. ”Nhìn thấy tuyến đường Phú Thọ- Mũi Dinh thi công hoàn thành tới đâu là bụng dạ bà con tui mừng rơn tới đó. Đường mở rộng hai làn xe rất thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân. Những gia đình có đất nằm trong dự án mở đường được chính quyền vận động bà con nhanh chóng bàn giao cho đơn vị thi công. Hệ thống giao thông phát triển giúp người dân Vĩnh Trường có điều kiện làm ăn vươn lên xây dựng cuộc sống no ấm”, Nguyễn Thành Du phấn khởi nói trước mùa xuân mới.
Thái Sơn Ngọc