(NTO) Do địa hình phức tạp, có nhiều núi cao bao bọc và nhiều gò đồi ở giữa, Thuận Nam có khí hậu khắc nghiệt: khô hạn, ít mưa, nhiều nắng gió. Tuy nhiên với vị trí cửa ngõ phía Nam của tỉnh, có quốc lộ 1A và đường sắt xuyên Việt, đường ven biển, tỉnh lộ 709 đi Ninh Sơn (nối với quốc lộ 27 đi Đà Lạt), tỉnh lộ 710 chạy qua, lại còn có cảng Cà Ná giao thương với trong nước và quốc tế bằng đường biển, Thuận Nam có nhiều điều kiện thuận lợi kết nối phát triển kinh tế-xã hội với các huyện, thành phố trong tỉnh và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Bãi biển Cà Ná. Ảnh:CTV
Vị trí địa lý kinh tế trên là nguồn lực gián tiếp tạo ra các lợi thế phát triển cho các ngành kinh tế của huyện. Nếu nhìn ở tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, có thể nói huyện Thuận Nam đang có lợi thế cạnh tranh để phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, dịch vụ, du lịch. Về tài nguyên khí hậu, chính sự khắc nghiệt đã tạo ra lợi thế phát triển năng lượng tái tạo (điện gió và mặt trời), cùng với nhà máy điện hạt nhân chuẩn bị khởi công năm 2014 sẽ góp phần đưa Thuận Nam và tỉnh ta trở thành trung tâm năng lượng sạch cả nước. Tài nguyên biển, với chiều dài bờ biển trên 43 km trải dọc từ Phước Dinh đến Cà Ná, với vùng lãnh hải rộng trên 7.200 km2, đáy biển tương đối sâu, có nhiều cát và san hô, độ mặn cao và ổn định, Thuận Nam có thế mạnh về sản xuất thủy sản, muối công nghiệp. Ngoài ra, khu vực cảng Cà Ná là một trong những cảng nước sâu của nước ta, hiện tại đã có tàu công suất 500 DWT vào làm hàng (cảng muối), tương lai có thể nâng cấp thành cảng hàng hóa công suất bốc dỡ 15 triệu tấn/năm.
Đáng kể là tài nguyên đất, với diện tích đất tự nhiên trống khá lớn, sẽ thuận lợi cho đầu tư các khu, cụm công nghiệp và xây dựng các đô thị hiện đại. Hiện nay đã có khu công nghiệp Phước Nam, trong tương lai sẽ tiếp tục mở rộng thêm khoảng 20 ha về phía Nam, tạo nên một khu công nghiệp trên 600 ha; đã xác lập 2 khu công nghiệp Hiếu Thiện và Cà Ná. Bên cạnh đó huyện đang đẩy nhanh tiến độ quy hoạch khu hành chính huyện và khu đô thị công nghiệp với quy mô hơn 1.200 ha. Về khoáng sản, tuy không có những tài nguyên quý, nhưng khu vực Thuận Nam có lợi thế khai thác đá xây dựng trữ lượng 368,8 triệu m3, đá ốp lát trữ lượng 9,5 triệu m3, quặng titan diện tích 2.025 ha, san hô khoảng 10 triệu tấn; cát thủy tinh, đá granite (diện tích hơn 21 ha) ở khu vực núi Chà Bang, Gia Ty với trữ lượng khoảng 64.000 m3 và đất sét để sản xuất gạch tuynen rộng 3,9 ha đang khai thác và sử dụng hợp lý... làm nguyên liệu cho công nghiệp.
Vào mùa cá cơm ở Thuận Nam. Ảnh:Duy Anh
Thu hoạch muối công nghiệp. Ảnh:Minh Quốc
Theo báo cáo tình hình thực hiện kinh tế-xã hội năm 2011 của Thuận Nam, sản xuất nông nghiệp, thủy sản chiếm tỷ trọng trên 42,3% trong cơ cấu kinh tế. Điều này cho thấy kinh tế Thuận Nam tuy có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ nhưng cơ cấu kinh tế của huyện chủ yếu vẫn là nông nghiệp và thủy sản. Đồng chí Ngô Văn Sậy, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam xác nhận: “Nông nghiệp, thủy sản vẫn đang là ngành sản xuất chính của Thuận Nam, do là huyện mới thành lập, kết cấu hạ tầng còn thấp nên làm ảnh hưởng đến khai thác tiềm năng, thế mạnh và chưa tạo được sự hấp dẫn đối với các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài. Nhưng trên cơ sở phân tích tính khả thi của các công trình đầu tư đang và sẽ thực hiện trên địa bàn huyện theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, Thuận Nam sẽ có những bước đi thích hợp nhằm xây dựng huyện thành vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh”.
Chúng tôi được biết, theo đề xuất của tư vấn Monitor và Arup, định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh ta đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 thì Thuận Nam nằm trong vùng trọng điểm phía Nam ưu tiên phát triển công nghiệp. Trong định hướng phát triển giai đoạn 2011-2020, Thuận Nam sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành công nghiệp, phát huy hiệu quả các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, các ngành công nghiệp có tính mũi nhọn. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm của quốc gia, tỉnh, huyện như: Nhà máy điện hạt nhân, điện gió, điện mặt trời; dự án thăm dò, khai thác và chế biến titan; khu công nghiệp Phước Nam, cụm công nghiệp Hiếu Thiện, dự án chế biến muối cao cấp và nhà máy chế biến sản phẩm từ cây neem; tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư vào khu công nghiệp Cà Ná; quy hoạch khu thủy sản tập trung ở Cà Ná, Phước Diêm và Phước Dinh.
Nông dân huyện Thuận Nam thu hoạch lúa. Ảnh:Thanh Long
Ngọn hải đăng Mũi Dinh. Ảnh:Văn Miên
Mảnh đất đầy tiềm năng Thuận Nam đang hứa hẹn sẽ trở thành trung tâm động lực phát triển công nghiệp của tỉnh trong tương lai. Theo đồng chí Ngô Văn Sậy, mục tiêu tổng quát của Thuận Nam là kết hợp tiềm năng lợi thế về tài nguyên khoáng sản, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của huyện với kế hoạch dự án đã và đang đầu tư. Trước mắt, thực hiện các công trình dự án trọng điểm có quy mô lớn vừa mới hoàn thành, mới đưa vào sử dụng, tập trung tăng trưởng chủ yếu là ngành xây dựng và một số ngành công nghiệp, thương mại-dịch vụ để đến năm 2015 huyện Thuận Nam sẽ là huyện kinh tế phát triển sản xuất công nghiệp của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2011-2015 đề ra.
Bạch Thương