Tại cuộc họp báo về tình hình đầu tư FDI năm 2011 và dự kiến năm 2012 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại Hà Nội ngày 30/12, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cho biết lượng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm tại Việt Nam đạt 14,7 tỷ USD.
Ảnh: Chinhphu.vn
Dù chỉ bằng 74% so với năm 2010, song đây là con số đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn.
Lượng vốn đăng ký tăng thêm đạt 3,1 tỷ USD, gấp 1,65 lần mức vốn đăng ký tăng thêm của năm 2010 (1,89 tỷ USD). Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá tích cực về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Lượng vốn FDI thực hiện trong năm 2011 ước đạt 11 tỷ USD, tương đương năm 2010 và đóng góp 25,9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Tỷ trọng các lĩnh vực thu hút FDI cũng có sự thay đổi theo hướng tích cực. Cụ thể, có 76,4% vốn đăng ký đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp và chế tạo, cao hơn hẳn tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực này năm 2010 (54,1%).
Đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản năm 2011 chỉ chiếm 5,8% tổng vốn đăng ký, giảm mạnh so với con số 34,3% của năm 2010.
Xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) ước đạt 54,5 tỷ USD tăng 39,3% so với năm trước và chiếm 59% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Kết quả điều tra triển vọng đầu tư thế giới giai đoạn 2010-2012 của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc (UNCTAD) cho biết, Việt Nam hiện là một địa chỉ hàng đầu trong khu vực ASEAN về mức độ hấp dẫn đầu tư nước ngoài và là một trong 10 nền kinh tế có sức hấp dẫn nhất thế giới, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư Nhật Bản và các nền kinh tế mới nổi của châu Á.
Năm 2012 không đặt nặng lượng vốn đăng ký
Ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết năm 2012 Bộ sẽ tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý đầu tư nước ngoài, chú trọng nâng cao chất lượng hiệu quả vốn FDI; hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước và quy định pháp luật về FDI...
Việc thu hút FDI sẽ không đặt nặng lượng vốn đăng ký mới mà tập trung vào mục tiêu giải ngân vốn FDI tại các dự án cụ thể. Đồng thời, chú trọng công tác cấp giấy phép cho những dự án có tính khả thi cao, thiết thực với đời sống kinh tế - xã hội.
Công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư FDI sẽ được dẫn hướng phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015) và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội (2011-2020). Năm 2012, Việt Nam đặt mục tiêu thu hút thêm 15 – 16 tỷ USD, giải ngân được 11 tỷ USD.
Những dự án đầu từ FDI sẽ được lựa chọn kỹ lưỡng, chỉ ưu tiên thu hút vốn đầu tư nước ngoài một cách có chọn lọc, định hướng vào những lĩnh vực quan trọng như cơ sở hạ tầng, công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, những lĩnh vực tạo liên kết với các khu vực kinh tế khác và liên kết vùng, công nghiệp hỗ trợ, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh, công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời, hạn chế thu hút vào những lĩnh vực phi sản xuất làm gia tăng nhập siêu, sử dụng nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu...
Về tình trạng một số nhà đầu tư vay vốn trong nước hoặc được cấp giấy phép nhưng không triển khai, lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài cũng đang yêu cầu các địa phương, các Ban Quản lý dự án xử lý dứt điểm.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cũng đang phối hợp xây dựng đề án chống chuyển giá, trước mắt triển khai các đoàn kiểm tra, khảo sát tình hình. Đây là vấn đề khá nóng nhưng để tìm và đánh giá được việc chuyển giá của doanh nghiệp không đơn giản. Cho đến nay, cơ quan chức năng đã xác định được các loại hình chuyển giá, song muốn thực hiện được tốt cần có thêm cơ sở dữ liệu đầy đủ hơn.
Về đầu tư ra nước ngoài, ông Đỗ Nhất Hoàng cũng cho biết, trong năm 2011, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 75 dự án, điều chỉnh 33 dự án đầu tư. Tổng vốn đầu tư đăng ký (bao gồm cả cấp mới và tăng vốn) đạt 2,12 tỷ USD, bằng dự kiến. Các dự án quy mô lớn tập trung trong các lĩnh vực công nghiệp năng lượng, truyền thông, tập trung tại các địa bàn quen thuộc, phù hợp với các lĩnh vực và địa bàn ưu tiên đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam.
Nguồn www.chinhphu.vn