UBTVQH xem xét dự thảo Luật Tố cáo và Luật Khiếu nại

Hai dự thảo Luật Tố cáo và Luật Khiếu nại đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận tại phiên họp thứ nhất (tháng 8/2011), nay tiếp tục được bàn thảo tại phiên họp thứ 3 trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Trước khi thảo luận về 2 dự thảo Luật này trong ngày làm việc hôm nay của phiên họp thứ 3, Ủy ban Pháp luật đã nhận được ý kiến về 2 dự thảo của 40/63 Đoàn đại biểu Quốc hội.

Đối với dự Luật tố cáo, vấn đề tố cáo bằng thư điện tử, fax, tố cáo bằng lời qua điện thoại có 2 phương án là Không bổ sung và Bổ sung hình thức tố cáo này (cùng với tố cáo trực tiếp và gửi đơn tố cáo như quy định cũ).

Ủy ban Pháp luật đồng ý với phương án bổ sung tố cáo qua thư điện tử, fax, bằng lời qua điện thoại và cho rằng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tình trạng lợi dụng để phát tán đơn thư trên mạng, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của người khác,… Để hạn chế tình trạng này, dự thảo Luật cần nghiêm cấm các hình thức lợi dụng quyền tố cáo và quy định các chế tài đủ sức răn đe đối tượng có hành vi này.

Về việc xác định chủ thể tố cáo, có 2 phương án là bổ sung cơ quan, tổ chức có quyền tố cáo hoặc giữ nguyên như dự thảo Luật là chỉ có công dân mới có quyền tố cáo.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Pháp luật đồng ý theo phương án chỉ có công dân mới quyền tố cáo vì cho rằng nếu cho phép cơ quan, tổ chức có quyền tố cáo sẽ làm phát sinh những vấn đề phức tạp liên quan đến cơ chế, cách thức để chủ thể này thực hiện tố cáo…

Đối với dự Luật Khiếu nại, nhiều ý kiến tán thành việc quy định khiếu nại nhiều người. Một số ý kiến khác đề nghị không nên quy định khiếu nại đông người vì cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm, dễ bị lợi dụng gây mất trật tự xã hội.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng dự luật cần quy định thêm về thụ lý trường hợp khiếu nại nhiều người với các hình thức khác nhau, quy định về ban hành quyết định giải quyết khiếu nại nhiều người và quyết định giải quyết khiếu nại nhiều người.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc,… cho rằng việc quy định “người khiếu nại phải xuất trình giấy tờ chứng minh quyền được khiếu nại…” là không hợp lý. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng như thế là không đúng với quyền của công dân là được phép tố cáo, khiếu nại…

Các ý kiến tại phiên họp góp ý về 2 dự thảo Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo đều cho rằng vấn đề tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo là công việc phức tạp nhưng không thể không làm. Sắp tới việc tiếp công dân sẽ được quy định cụ thể bằng một Luật riêng.

Nguồn www.chinhphu.vn