I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
- Thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình khuyến nông trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, phát huy vai trò định hướng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ theo nhu cầu thực tiễn của các địa phương.
- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu, mở rộng sản xuất các sản phẩm thiết yếu, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng, đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất cung ứng sản phẩm nông nghiệp.
- Tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp để tăng thu nhập, giảm nghèo, góp phần ổn định an sinh xã hội trong giai đoạn hiện nay. Nhân rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả nhất là các mô hình ứng dụng công nghệ cao phục vụ xây dựng nông thôn mới.
- Phấn đấu từng bước mở rộng các mô hình có áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản; tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị; các mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt và cấp chứng nhận xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có năng suất, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp.
- Hỗ trợ nông - ngư dân phát triển sản xuất thông qua việc tiếp cận với các hoạt động khuyến nông, thực hiện các chương trình, dự án (mô hình, tập huấn, tham quan, hội thảo,…).
- Triển khai có hiệu quả chính sách về khuyến nông; lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi cơ cấu cây trồng; mô hình công nghệ cao và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới.
2. Mục tiêu cụ thể
- Tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, các loại cây, con giống có chất lượng tốt, năng suất cao vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, tỷ trọng gia tăng trong sản xuất nông nghiệp; trong đó tập trung giải pháp để xuất khẩu các sản phẩm dê, cừu, nho.
- Xây dựng mô hình theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao phục vụ chương trình chuyển đổi ứng phó với biến đổi khí hậu để nâng giá trị sản xuất/ha đất canh tác.
- Tổ chức tập huấn nhân rộng các mô hình hiệu quả: 4-6 mô hình/năm.
- Các mô hình khuyến nông đạt năng suất, chất lượng và giá trị tăng thêm tối thiểu từ 10-25% so với sản xuất truyền thống và đáp ứng các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Số hộ dân được tập huấn trên 1.000 lượt người/năm.
- Thực hiện công tác thông tin tuyên truyền đối với các nội dung trong chương trình khuyến nông để nông dân có thể nắm bắt thông tin nhanh chóng, kịp thời.
- Nhân rộng 05 mô hình sản xuất có hiệu quả.
- Tổ chức thực hiện 03 dự án khuyến nông Trung ương và 01 dự án cấp tỉnh.
- Tư vấn hỗ trợ thành lập 03 Tổ Khuyến nông cộng đồng cho các xã đạt chuẩn nông thôn mới.
- Tập huấn 2.000 lượt người.
- Xét nghiệm bệnh tôm đạt được chứng chỉ công nhận Vilas.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện từng vùng, theo hướng ổn định lâu dài, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu (chuyển đổi trên đất sản xuất lúa kém hiệu quả; từ cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng có hiệu quả, sản phẩm đặc sản, đặc thù của tỉnh) đạt chỉ tiêu đề ra trong năm.
2. Triển khai mô hình, dự án
a) Mô hình thâm canh cây dưa lưới trong nhà màng theo hướng hữu cơ
- Mục tiêu: Áp dụng Công nghệ cao tăng lợi nhuận kinh tế trên đơn vị diện tích đất; tạo ra nguồn nông sản hữu cơ đáp ứng nhu cầu thị trường; thay đổi tập quán canh tác truyền thống, chuyển dần sang canh tác nông nghiệp áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
- Quy mô: 1000 m2.
- Địa điểm thực hiện: Huyện Ninh Sơn.
- Dự kiến hiệu quả đạt được: Năng suất > 22 tạ/sào; Hiệu quả kinh tế tăng ≥ 15% so với các hộ ngoài mô hình. Nhân rộng mô hình ≥ 15%.
b) Mô hình thâm canh cây nho NH01-152 trong nhà màng theo hướng hữu cơ
Nông dân xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) thu hoạch nho NH01-152 trong nhà màng. Ảnh: Văn Nỷ
- Mục tiêu: Áp dụng Công nghệ cao tăng lợi nhuận kinh tế trên đơn vị diện tích đất; tạo ra nguồn nông sản hữu cơ đáp ứng nhu cầu thị trường; thay đổi tập quán canh tác truyền thống, chuyển dần sang canh tác nông nghiệp áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
- Quy mô: 1000m2.
- Địa điểm thực hiện: vùng đồng bào dân tộc, miền núi.
- Dự kiến hiệu quả đạt được: Năng suất > 10 tạ/sào; hiệu quả kinh tế tăng ≥ 15% so với các hộ ngoài mô hình; nhân rộng mô hình ≥ 15%.
c) Mô hình trồng thâm canh cây Tỏi theo hướng VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân
- Mục tiêu: Xác định tính trạng ưu việt của giống tỏi Phan Rang và chọn được mẫu giống tỏi có năng suất và phẩm chất tốt, xây dựng được quy trình nhân giống tỏi, mở rộng diện tích canh tác hướng đến xuất khẩu.
- Quy mô: 02 ha.
- Địa điểm thực hiện: Huyện Ninh Hải.
- Dự kiến hiệu quả đạt được: Tỷ lệ sống > 95%; năng suất cao hơn ngoài mô hình từ 15-20%; năng suất bình quân đạt từ 10-12 tấn/ha, sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
d) Hỗ trợ vật tư thiết yếu cải tạo đàn bò bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo
- Mục tiêu: Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 11/11/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 69/QĐ-UBND ngày 24/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đề án phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, hiệu quả, có giá trị kinh tế cao đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; khuyến khích người dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi bò, đặc biệt là áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo nhằm cải tạo tầm vóc, năng suất, chất lượng và hiệu quả trong chăn nuôi bò. Sử dụng tinh giống bò Brahman ngoại phối cho 400 con bò cái có chửa tại các vùng có thế mạnh chăn nuôi bò sinh sản trên địa bàn tỉnh.
- Quy mô: 400 con.
- Địa điểm thực hiện: Trên toàn tỉnh.
- Dự kiến hiệu quả đạt được: Hiệu quả kinh tế tăng 10% so với các hộ chăn nuôi ngoài mô hình.
đ) San phẳng đồng ruộng bằng tia lazer
- Mục tiêu: Trong sản xuất lúa, việc ứng dụng cơ giới hóa trong xây dựng “Cánh đồng lớn” là một giải pháp quan trọng, lâu dài, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong sản xuất lúa nói riêng và các loại cây trồng khác nói chung trên địa bàn tỉnh; áp dụng công nghệ san phẳng ruộng điều khiển bằng laser trong điều kiện sản xuất lúa tại cánh đồng mẫu lớn giúp cho nông dân có một thửa ruộng bằng phẳng như mong muốn, kiểm soát được nước cho cây trồng phát triển.
- Quy mô: 09 ha.
- Địa điểm thực hiện: Trên toàn tỉnh.
- Dự kiến hiệu quả đạt được: Thực hiện san phẳng đồng ruộng điều khiển bằng laser nhằm tăng năng suất lao động, năng suất cây trồng, giảm chi phí đầu tư, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế/diện tích canh tác cho người nông dân.
3. Một số Dự án chuyển tiếp trong năm 2025
a) Mô hình xử lý, tuần hoàn chất thải trong chăn nuôi heo
- Mục tiêu: Đẩy mạnh ứng dụng các biện pháp công nghệ và kỹ thuật tiên tiến trong xử lý chất thải, vệ sinh chuồng trại và khí thải bằng men vi sinh đảm bảo vệ sinh môi trường tại trang trại chăn nuôi heo; tái sử dụng chất thải để làm phân bón hữu cơ, xử lý nguồn nước bằng men vi sinh pha vào nước uống tăng khả năng tiêu hóa, đề kháng cho heo và tưới cho cây trồng nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp một cách bền vững và hiệu quả.
- Quy mô: 05 trang trại/cơ sở chăn nuôi heo.
- Thời gian thực hiện: Năm 2024-2025
- Địa điểm thực hiện: Huyện Ninh Sơn.
- Dự kiến hiệu quả đạt được:
+ Mô hình sẽ giúp cho các cơ sở chăn nuôi có điều kiện để xử lý chất thải phù hợp, giảm thiểu tình trạng phát sinh bệnh tật đối với vật nuôi; sử dụng chế phẩm vi sinh do dự án chọn tạo có giá thành thấp (15-20%) sẽ góp phần làm giảm giá thành chăn nuôi và rủi ro, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.
+ Tận dụng nguồn chất thải để sản xuất phân bón hữu cơ nhằm giảm chi phí trong sản xuất, tăng thu nhập cho các cơ sở chăn nuôi.
+ Hiệu quả kinh tế tăng ≥ 15% so với các hộ ngoài mô hình.
b) Dự án liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dê, cừu định hướng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- Mục tiêu:
+ Hình thành và phát triển chuỗi liên kết giá trị dê, cừu bền vững theo hình thức liên kết sản xuất từ cung cấp vật tư đầu vào đến tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, từ đó giúp ổn định trong quá trình chăn nuôi và nâng cao thu nhập cho các hộ chăn nuôi đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm dê cừu đặc thù tại địa phương.
+ Phát triển chuỗi liên kết dê cừu góp phần phát triển vùng nguyên liệu, tăng sản lượng và đảm bảo chất lượng các sản phẩm dê, cừu trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
+ Mở rộng chuỗi liên kết, đồng thời tìm kiếm và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm dê cừu trong đó có chế biến từ thịt dê cừu, từ đó định hướng đến xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
- Quy mô: 19 hộ tham gia liên kết.
- Thời gian thực hiện: Năm 2023-2025.
- Địa điểm thực hiện: Tại địa bàn các huyện Ninh Phước, Ninh Hải và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.
- Dự kiến hiệu quả đạt được: Hiệu quả kinh tế của các chủ thể liên kết sẽ tăng từ 15-30%.
c) Dự án chăn nuôi Cừu sinh sản thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Duyên hải Nam Trung bộ
- Mục tiêu: Xây dựng được mô hình chăn nuôi cừu sinh sản thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với phát triển du lịch sinh thái tại Ninh Thuận; tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn, tham quan, tổng kết, thông tin tuyên truyền nhằm phổ biến kết quả và nhân rộng mô hình theo quy định.
- Quy mô: 105 con.
- Thời gian thực hiện: Năm 2024-2026.
- Địa điểm thực hiện: Huyện Thuận Bắc.
- Dự kiến kết quả đạt được: Các chỉ tiêu kỹ thuật cần đạt: số lứa đẻ ≥ 1,6 lứa/cái/năm; khối lượng cừu sơ sinh ≥ 2,3 kg/con; tỷ lệ nuôi sống đến 3 tháng tuổi ≥ 90%. Hiệu quả kinh tế tăng ≥ 10% so với chăn nuôi đại trà; nhân rộng mô hình ≥ 15% so với quy mô dự án được phê duyệt .
d) Xây dựng mô hình nuôi cá mú trân châu bằng lồng HDPE thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm
- Quy mô: 3.040 m3 lồng HDPE.
- Thời gian thực hiện: Năm 2024-2026.
- Địa điểm thực hiện: trên địa bàn tỉnh.
- Dự kiến kết quả đạt được:
+ Xây dựng thành công mô hình với quy mô 3.040 m3 lồng HDPE nuôi cá mú trân châu thích ứng với biến đổi khí hậu và đạt được các chỉ tiêu kỹ thuật: Tỷ lệ sống ≥ 70%; cỡ thu hoạch ≥ 1kg/con; năng suất đạt ≥ 10kg/m3.
+ Xây dựng thành công tối thiểu 1 chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
+ Tổ chức thành công các hoạt động đào tạo tập huấn, thông tin tuyên truyền nhằm nhân rộng và quảng bá mô hình.
+ Hiệu quả kinh tế mô hình tăng tối thiểu 15% so với trước khi thực hiện mô hình.
+ Nhân rộng mô hình tối thiểu 15% so với quy mô dự án được phê duyệt.
4. Công tác tập huấn, hội thảo, tham quan
a) Tập huấn (Nho công nghệ cao; bán hàng nông sản qua mạng; nghiệp vụ khuyến nông)
- Mục tiêu: Nhằm đào tạo cho các khuyến nông viên được tập huấn nghiệp vụ sư phạm trở thành các tiểu giáo viên có khả năng truyền đạt, huấn luyện hiệu quả cho nông dân tại địa phương.
- Quy mô: 02 lớp/60 học viên tham dự.
- Địa điểm thực hiện: Trong tỉnh.
- Dự kiến hiệu quả đạt được: 100% học viên được tập huấn nắm vững kiến thức và áp dụng thực tế tại địa phương.
b) Tập huấn kỹ thuật sản xuất
- Mục tiêu: Góp phần hạn chế dịch bệnh, dễ quản lý chăm sóc; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân và hướng tới mục tiêu xuất khẩu; g0op87iúp các học viên nắm bắt được các quy trình kỹ thuật mới, công nghệ sản xuất mới trong nông nghiệp, nông nghiệp thông minh trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu qua đó góp phần hình thành và phát triển các sản phẩm nông nghiệp OCOP đặc thù của tỉnh nhà.
- Quy mô: 02 lớp/60 học viên tham dự.
- Địa điểm thực hiện: Trong tỉnh.
- Dự kiến hiệu quả đạt được: 100% học viên được tập huấn nắm vững kiến thức và áp dụng thực tế vào sản xuất tại địa phương.
c) Hội thảo "Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Tổ Khuyến nông cộng đồng"
Thực hiện theo nội dung chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 2769/BNN-KN ngày 16/4/2024 về việc đẩy mạnh hoạt động khuyến nông cộng đồng. Nhằm tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm hoạt động Tổ Khuyến nông cộng đồng phục vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh. Từ đó, có hướng nhìn tổng quan để tham mưu xây dựng, ban hành cơ chế chính sách phù hợp, tạo điều kiện các tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của nông dân, trở thành lực lượng chủ lực của ngành nông nghiệp.
d) Trao đổi, học tập kinh nghiệm
Học tập mô hình sản xuất công nghệ cao; trao đổi, học tập kinh nghiệm trong việc phối hợp, lồng ghép các chương trình, dự án khuyến nông, các nguồn lực nhằm nâng cao hiệu quả và sức lan tỏa khuyến nông; nâng cao năng lực đội ngũ khuyến nông cộng đồng theo nội dung chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 2769/BNN-KN ngày 16/4/2024.
5. Nhân rộng mô hình có hiệu quả
Tiếp tục triển khai nhân rộng các mô hình có hiệu quả trên địa bàn toàn tỉnh như: San phẳng ruộng điều khiển bằng tia laser; áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước; trồng dưa lưới trong nhà màng; cải tạo chất lượng và vỗ béo đàn bò; trồng cỏ và chế biến thức ăn cho gia súc.
6. Công tác tư vấn, hoạt động dịch vụ khuyến nông
- Hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật và dịch vụ khuyến nông phù hợp với quy định của pháp luật. Liên kết với các doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân, làm cầu nối để xúc tiến tiêu thụ nông sản.
- Xét nghiệm bệnh tôm bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người dân; phấn đấu xét nghiệm 6.000-7.000 mẫu.
- Duy trì tiêu chuẩn ISO cho xét nghiệm bệnh tôm.
(Chi tiết các hoạt động tại Phụ lục kèm theo)
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Tổng kinh phí thực hiện: 10.417,154 triệu đồng; trong đó:
1. Ngân sách nhà nước: 6.396,207 triệu đồng (ngân sách Trung ương: 4.273,118 triệu đồng; ngân sách địa phương: 2.123,089 triệu đồng).
2. Nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công: 34 triệu đồng.
3. Đối ứng của tổ chức, cá nhân: 3.986,947 triệu đồng.
IV. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Tăng cường công tác chuyển đổi cây trồng phù hợp; phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh hoạt động sáng kiến, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp; lồng ghép một số chính sách khác để phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới.
2. Các địa phương tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất đối tượng, vùng chuyển đổi cho phù hợp, mang tính bền vững; trong đó, tập trung xây dựng mô hình cây trồng có giá trị kinh tế, có thị trường tiêu thụ ổn định.
3. Chính quyền địa phương và các đơn vị trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đạo sản xuất nông nghiệp và phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Nhân rộng một số mô hình sản xuất có hiệu quả về trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị, cải thiện thu nhập cho người dân, nhất là việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống và công nghệ, thiết bị phù hợp, đặc biệt là công nghệ tưới tiết kiệm nước.
4. Huy động các nguồn lực để xây dựng mô hình trình diễn theo các hướng: Phục vụ công tác chuyển đổi cây trồng; cải tiến hợp lý quy trình sản xuất; chú trọng phát triển cây, con chủ lực của tỉnh, phát triển đối tượng cây, con mới có hiệu quả kinh tế cao, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP; mô hình tưới tiết kiệm, áp dụng công nghệ 4.0; phát triển đánh bắt xa bờ; chuyển đổi đối tượng nuôi thủy sản mới có hiệu quả...
5. Nâng cao năng lực cán bộ khuyến nông, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng khuyến nông cho cán bộ khuyến nông các cấp. Cán bộ làm công tác xét nghiệm bệnh tôm được tham gia các lớp tập huấn nâng cao do các Viện, Trường tổ chức.
6. Đổi mới tập huấn kỹ thuật nông nghiệp theo phương pháp FFS (lớp học hiện trường) và phối hợp với các đơn vị khác tổ chức hội nghị, hội thảo, tham quan học tập kinh nghiệm cho nông dân.
7. Tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác khuyến nông; các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ, thông tin thị trường, giá cả; phổ biến gương điển hình tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp, các mô hình có hiệu quả kinh tế cao thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức thông tin tuyên truyền khác.
8. Mở rộng công tác xét nghiệm bệnh tôm, nâng cao chất lượng xét nghiệm nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của người nuôi tôm.
9. Đẩy mạnh nghiên cứu các đề tài khoa học, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và ứng dụng vào thực tế sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức, hướng dẫn triển khai thực hiện Kế hoạch khuyến nông trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục tiêu đề ra. Kịp thời phát hiện, tham mưu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm triển khai có hiệu quả chương trình khuyến nông trên địa bàn tỉnh và định kỳ tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện.
- Quản lý, sử dụng kinh phí được giao thực hiện Kế hoạch đảm bảo đúng mục tiêu, đối tượng và theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản có liên quan.
2. Các Sở, ban, ngành và địa phương
- Sở Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao để phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện Kế hoạch khuyến nông theo quy định hiện hành theo khả năng cân đối của ngân sách địa phương và nguồn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
- Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực liên quan, phù hợp với Kế hoạch khuyến nông trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận năm 2025, trong đó có thể xem xét, kết hợp, lồng ghép giữa các nhiệm vụ nếu có sự tương đồng về thời gian triển khai, tính chất, loại hình... theo từng nhiệm vụ.
- Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các hoạt động liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và cung ứng vật tư thực hiện hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ theo phân công.
- Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao chủ trì tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động xúc tiến thương mại theo quy định tại Quyết định số 75/2024/QĐ-UBND ngày 19/9/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại tỉnh Ninh Thuận.
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chuyên mục tuyên truyền về các hoạt động khuyến nông trên toàn tỉnh.
- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh tăng cường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên tham gia tích cực trong công tác khuyến nông và ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyên truyền, tổ chức triển khai các hoạt động khuyến nông; theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả, hiệu quả các mô hình khuyến nông và sơ kết, tổng kết nhân rộng trên địa bàn. Đồng thời, căn cứ kế hoạch khuyến nông của tỉnh và nhu cầu thực tiễn sản xuất, thị trường, khả năng ngân sách để xây dựng, ban hành kế hoạch khuyến nông của địa phương và tổ chức thực hiện theo quy định.
Yêu cầu các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định.