Kế hoạch: Triển khai tuyên truyền Tiêm chủng mở rộng tỉnh Ninh Thuận năm 2025

Thực hiện Kế hoạch số 4880/KH-UBND ngày 21/10/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Tiêm chủng mở rộng tỉnh Ninh Thuận năm 2025; Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng Kế hoạch triển khai tuyên truyền, tuyên truyền Tiêm chủng mở rộng tỉnh Ninh Thuận năm 2025 của ngành Thông tin và Truyền thông với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Nâng cao nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Thúc đẩy người dân tham gia tiêm chủng, đặc biệt là tiêm các loại vắc xin phòng bệnh trong chương trình. Cung cấp thông tin đầy đủ về lịch tiêm chủng, tính an toàn của vắc xin, và cách theo dõi các sự cố bất lợi sau tiêm chủng. Xây dựng lòng tin và sự hiểu biết của cộng đồng về lợi ích của việc tiêm chủng, qua đó tăng cường tỷ lệ tham gia tiêm chủng.

2. Đổi mới, sáng tạo các phương thức thông tin tuyên truyền Chương trình Tiêm chủng mở rộng thiết thực, hiệu quả phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của tỉnh và các đối tượng. Thông qua đó huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác Tiêm chủng mở rộng.

II. CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Hoạt động tuyên truyền

- Mục đích, ý nghĩa của Chương trình Tiêm chủng mở rộng: Là bảo vệ sức khỏe cộng đồng, ngăn ngừa và giảm thiểu nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

- Lợi ích của việc tiêm chủng: Bảo vệ cá nhân và cộng đồng khỏi các bệnh truyền nhiễm, giúp phát triển miễn dịch cộng đồng, giảm tỷ lệ tử vong và biến chứng do bệnh.

- Lịch tiêm chủng: Cung cấp thông tin chi tiết về lịch tiêm chủng theo độ tuổi, nhắc nhở cha mẹ đảm bảo cho trẻ nhỏ được tiêm đầy đủ và đúng lịch. 

- Tính an toàn của vắc xin: Giải thích về quy trình sản xuất và kiểm định vắc xin, các chứng nhận an toàn trước khi đưa vào sử dụng. 

- Phản ứng sau tiêm và cách theo dõi: Cung cấp kiến thức về các phản ứng phụ có thể xảy ra sau tiêm, cách xử lý và khi nào cần báo cáo với cơ sở y tế.

2. Các hình thức tuyên truyền

- Phương tiện truyền thông đại chúng: Đăng tải thông tin trên các kênh truyền hình, đài phát thanh, báo chí, và các trang tin tức trực tuyến; Tổ chức các chương trình trò chuyện, phỏng vấn với chuyên gia y tế để giải đáp thắc mắc của người dân.

- Mạng xã hội: Sử dụng các nền tảng như Facebook, Zalo, YouTube, Instagram để chia sẻ video ngắn, đồ họa thông tin (infographic) về lợi ích của tiêm chủng và các lưu ý quan trọng; Tạo hashtag #TiêmChủngAnToàn #BảoVệSứcKhỏe để tăng tương tác. 

- Ứng dụng công nghệ thông tin: Sử dụng ứng dụng di động để gửi thông báo nhắc nhở lịch tiêm chủng; Tạo các nền tảng trực tuyến để người dân có thể tra cứu thông tin về các trung tâm tiêm chủng và đăng ký tiêm chủng trực tuyến.

- Tổ chức sự kiện cộng đồng: Tổ chức các buổi nói chuyện, hội thảo tại cộng đồng, trường học, công ty để trực tiếp giải đáp thắc mắc; Tổ chức ngày hội tiêm chủng tại các khu dân cư, trường học để khuyến khích người dân tham gia.

3. Công tác phối hợp thực hiện

Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Sở y tế, phía Sở sẽ cung cấp thông tin chính thống về vắc xin và các kiến thức y khoa liên quan.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phòng Công nghệ, phối hợp với Trung tâm Công nghệ, Thông tin và Truyền thông thực hiện các nội dung chuyển đổi số trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

2. Phòng Thông tin, Báo chí, Xuất bản phối hợp Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các cơ quan truyền thông thực hiện tốt thông tin, tuyên truyền, Tiêm chủng mở rộng tỉnh Ninh Thuận năm 2025;

3. Các cơ quan báo chí, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh các huyện, thành phố xây dựng tin, bài; bảo đảm nội dung, thời lượng phát sóng các chuyên trang, chuyên mục về công tác Tiêm chủng mở rộng đạt hiệu quả.

Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng Kế hoạch triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến Tiêm chủng mở rộng tỉnh Ninh Thuận năm 2025 của ngành như trên. Đề nghị các cơ quan, đơn vị và các phòng, đơn vị trực thuộc Sở triển khai thực hiện hiệu quả.