Đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06

Bài cuối: Phát huy hiệu quả chuyển đổi số

Với phương châm hành động của tỉnh trong năm 2024 là “Đoàn kết, thích ứng, sáng tạo, kỷ cương, phát triển, hiệu quả”, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung triển khai đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên từng lĩnh vực kinh tế-xã hội, đặc biệt là quyết tâm triển khai thực hiện hoàn thành những chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đề án 06.

 Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị liên quan tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06 tại cơ quan đơn vị mình; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Đề án 06, trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến các tính năng của chíp điện tử gắn trên thẻ căn cước công dân và ứng dụng VNeID trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là 16 dịch vụ, tiện ích của ứng dụng VNeID và Luật Căn cước năm 2023, nhằm đảm bảo 100% cán bộ và người dân hiểu biết và sử dụng có hiệu quả các tiện ích của ứng dụng VNeID (công dân số) và sử dụng tài khoản định danh điện tử (ĐDĐT) là tài khoản duy nhất đăng nhập Cổng dịch vụ công quốc gia phục vụ công cuộc chuyển đổi số (CĐS), tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC), giao dịch dân sự, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Bên cạnh đó, thành lập Tổ hướng dẫn tại các bộ phận một cửa để hướng dẫn người dân sử dụng tài khoản ĐDĐT để đăng nhập Cổng dịch vụ công quốc gia thực hiện giải quyết các TTHC.

Đoàn viên thanh niên phường Đài Sơn (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) hướng dẫn, hỗ trợ
người dân đăng ký, sử dụng tài khoản định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: M.Dung

Lực lượng Công an với vai trò Thường trực Tổ công tác Đề án 06, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị làm sạch dữ liệu của các ngành, các cấp, phục vụ hiệu quả công tác triển khai thực hiện Đề án 06. Duy trì công tác thu nhận hồ sơ CĐS, ĐDĐT cho công dân; triển khai đồng bộ các giải pháp “làm sạch” dữ liệu dân cư bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống” phục vụ triển khai thực hiện Đề án 06 tại địa phương và phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Luật Căn cước năm 2023.

Các ngành, địa phương cũng đang tiếp tục, rà soát, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số dùng chung của tỉnh để phục vụ cho công tác CĐS, phát triển đô thị thông minh, đảm bảo an toàn thông tin đảm mạng, bảo mật dữ liệu theo mô hình 4 lớp. Đẩy mạnh triển khai số hóa, phát triển dữ liệu số, trong đó tập trung đẩy mạnh triển khai Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về Dân cư theo Đề án 06, CSDL về đất đai, CSDL về cán bộ, công chức, viên chức… Xây dựng cổng dữ liệu mở để cung cấp dữ liệu cho các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và công dân khai thác sử dụng theo quy định. Triển khai đồng bộ mạng băng thông rộng chất lượng cao trên địa bàn toàn tỉnh, phát triển mạnh mẽ mạng di động 5G, nâng cấp mạng di động 4G; nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại di động thông minh. Triển khai xây dựng các chính sách ưu đãi để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo; đẩy nhanh tiến độ CĐS trong các doanh nghiệp.

Thượng tá Nguyễn Tiến Long, Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) cho biết: Để thực hiện hiệu quả Đề án 06 trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới cần tiếp tục tập trung triển khai thực hiện hiệu quả 5 nhóm nhiệm vụ “Pháp lý - Hạ tầng công nghệ - An ninh an toàn bảo mật - Dữ liệu - Nguồn lực triển khai”, đảm bảo nguyên tắc “5-4-3-2-1” để triển khai Đề án 06 một cách hiệu quả, xuyên suốt, cụ thể. Một là phải có lộ trình hoàn thiện 5 nhóm; phải thực hiện xuyên suốt 4 cấp “Bộ - tỉnh - huyện - xã”; tạo ra 3 tiện ích “Văn minh xã hội, phát triển kinh tế và phòng, chống tội phạm”; để triển khai thành công phải có nhận thức đúng và có giải pháp sáng tạo; người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải quyết tâm, quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành.

Đối với các mô hình của Đề án 06, việc triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí, các đơn vị liên quan rà soát lại 25 mô hình đã đăng ký triển khai trên địa bàn tỉnh; điều chỉnh, bổ sung hoặc thêm mới mô hình phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và loại trừ các mô hình đang còn gặp nhiều khó khăn hoặc chưa phù hợp. Trước mắt, ưu tiên triển khai các mô hình có tính khả thi như: Khám, chữa bệnh sử dụng KIOSK y tế thông minh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, các nhóm mô hình triển khai về thông tin lý lịch tư pháp trên VNeID, nền tảng quản lý lưu trú, nhà cho thuê, nhà ở trong khu công nghiệp, khu chế xuất… Đồng thời đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình, đề xuất tích hợp để cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến thuộc chức năng quản lý, thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị, địa phương đáp ứng yêu cầu trên cổng dịch vụ công quốc gia.