Đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06

Bài 2: Tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chuyển đổi số

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, Ninh Thuận đã bám sát chỉ đạo, định hướng của trung ương để tập trung điều hành, chủ động trong công tác chuyển đổi số (CĐS) với sự tham gia tích cực của cơ quan, đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp (DN) và người dân. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh và đạt một số kết quả bước đầu quan trọng.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác CĐS trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn cần được tháo gỡ để phát triển, tạo nền tảng, động lực cho xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2023, đơn vị đã triển khai thí điểm việc chi trả chính sách cho đối tượng an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Từ đầu năm 2024 đã mở rộng chi không dùng tiền mặt cho đối tượng bảo trợ xã hội và người có công với cách mạng trong toàn tỉnh. Đến nay, các đơn vị, địa phương đã tổ chức thu thập thông tin, mở tài khoản cho 15.375 đối tượng hưởng an sinh xã hội (đạt 55,38%) và thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho 13.616 đối tượng có tài khoản (đạt 94,72%). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, gặp một số vướng mắc như đối tượng chi trả khó khăn không có điều kiện sử dụng các thiết bị điện thoại thông minh, có tâm lý muốn nhận tiền mặt để tiện sử dụng. Đồng chí Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh Xã hội, cho biết: Thực tế tại các vùng nông thôn vẫn thường sử dụng hình thức mua trả tiền mặt. Nên trong thời gian tới cần vận động, tuyên truyền, đề nghị các cơ sở kinh doanh nhỏ, lẻ tại các địa phương thực hiện thanh toán thông qua mã QR. Nếu không chúng ta chỉ mới làm tốt phần chi trả tiền mặt qua tài khoản mà chưa làm tròn khâu trong việc mua bán, giao dịch không dùng tiền mặt trong thực tiễn đời sống.

Khách hàng quét mã QR để thanh toán tiền tại quán cà phê Laa. Tea & Caffee ở phường Thanh Sơn (T.p Phan Rang – Tháp Chàm). Ảnh: Hồng Nguyệt

Đối với triển khai các mô hình của Đề án 06, hiện nay vẫn còn một số mô hình còn phụ thuộc vào tiến độ của bộ, ngành trung ương hoặc đã triển khai nhưng còn chậm chưa đảm bảo tiến độ hoặc không được triển khai. Đồng chí Trần Minh Từ, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: Đối với một số thủ tục hành chính công trực tuyến tại sở hiện còn nhiều khó khăn, nhất là cấp đổi giấy phép lái xe theo hình thức trực tuyến chỉ tiêu đảm bảo 10% nhưng khó đạt. Đơn vị cũng đã thực hiện nhiều giải pháp như tuyên truyền, hỗ trợ người dân và công bố cho các DN vận tải biết, nhưng người dân vẫn chưa có thói quen lẫn kỹ năng nộp hồ sơ trực tuyến. Dẫn đến tình trạng có trường hợp làm hồ sơ trực tuyến mất nhiều thời gian hơn làm trực tiếp, bởi hiện nay quy trình trực tuyến vẫn còn nhiều thủ tục, thao tác khó thực hiện, cần phải đơn giản hơn nữa. Đơn cử như việc tải ảnh cá nhân vào hồ sơ làm giấy phép lái xe trực tuyến hệ thống lại rất khó nhận. Để khắc phục khó khăn khi làm hồ sơ trực tuyến, chúng tôi vẫn phải bố trí cán bộ làm giúp cho người dân thay vì hướng dẫn để người dân tự thao tác.

Đối với một số địa phương việc thực hiện các thủ tục, hồ sơ và triển khai ứng dụng CĐS, thủ tục hành chính vẫn còn gặp một số khó khăn. Đơn cử như Tp. Phan Rang - Tháp Chàm là đơn vị triển khai thực hiện mạnh mẽ các nội dung yêu cầu CĐS, nhất là về giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, DN với số lượng hồ sơ tương đối lớn, nhưng thực tế cũng gặp không ít khó khăn.

Đồng chí Nguyễn Thành Phú, Chủ tịch UBND Tp. Phan Rang - Tháp Chàm cho biết: Quá trình triển khai Đề án 06 và CĐS chúng tôi gặp một số khó khăn như: Tỷ lệ dịch vụ công (DVC) trực tuyến phát sinh còn thấp, nhất là lĩnh vực căn cước công dân, đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, việc ứng dụng tài khoản định danh điện tử vào các mặt đời sống tuy có nhiều hơn nhưng chưa cao. Hiện nay, đường truyền đăng ký DVC nhất là làm căn cước công dân thường bị lỗi; việc cung cấp chữ ký số cá nhân còn hạn chế, giấy tờ tích hợp trên VNeID chưa có văn bản quy phạm pháp luật cụ thể thay thế trong một số giao dịch nên tính pháp lý chưa đảm bảo chắc chắn. Trong thời gian tới cần cải thiện đường truyền, nâng cấp phần mềm giải quyết thủ tục hành chính liên thông, tạo điều kiện cho bộ phận nhận hồ sơ giải quyết thuận lợi, nhanh chóng hơn cho người dân.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh, mặc dù chỉ số CĐS DTI được cải thiện, nhưng công tác CĐS trên địa bàn tỉnh vẫn chưa mạnh và cần được triển khai quyết liệt hơn nữa; tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào tăng trưởng GRDP chưa đạt mục tiêu đề ra. Tỷ lệ các DVC trực tuyến có phát sinh chưa nhiều, tính đồng bộ, liên thông DVC chưa cao; người dân và DN chưa quan tâm nhiều về thực hiện DVC toàn trình; sử dụng hạ tầng, nền tảng số chưa nhiều, chưa được đồng bộ, liên thông; cơ chế chính sách hỗ trợ DN CĐS chưa đủ mạnh, các DN chưa mạnh dạn đầu tư ứng dụng CĐS trong sản xuất, kinh doanh; việc khai thác, phát huy và thu hút nguồn lực xã hội cho CĐS còn hạn chế...

--------------
Bài cuối: Phát huy hiệu quả chuyển đổi số