Đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai Đề án 06

Bài 1: Nhiều chuyển biến tích cực từ chuyển đổi số

Để triển khai Đề án 06, thúc đẩy quá trình CĐS, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh quyết liệt xây dựng các chương trình, kế hoạch, giải pháp để đẩy mạnh CĐS, triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, công tác xây dựng chính quyền điện tử, CĐS đã đạt được một số kết quả quan trọng.

Tỉnh đã tập trung phát triển chính quyền điện tử; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số vào tổ chức quản lý, hoạt động của nền kinh tế địa phương; đẩy nhanh tiến độ CĐS trong các doanh nghiệp (DN) để nâng cao năng lực cạnh tranh; xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi để thúc đẩy phát triển DN khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số, đổi mới sáng tạo; khuyến khích, thu hút các DN công nghệ số đầu tư phát triển tại tỉnh và thúc đẩy hoạt động CĐS trong xã hội.

Hiện Ninh Thuận đã xây dựng hạ tầng dùng chung với công nghệ điện toán đám mây sử dụng cho toàn tỉnh; hệ thống giám sát an toàn, an ninh mạng (SOC) được triển khai, bảo đảm cho các hệ thống thông tin được bảo vệ theo mô hình 4 lớp, đáp ứng các tiêu chí về an toàn thông tin để kết nối vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hạ tầng mạng truyền dẫn cáp quang để cung cấp dịch vụ internet cố định băng rộng và dịch vụ truy nhập internet 3G, 4G được phủ đến 100% số thôn có dân cư; đã triển khai thí điểm phát sóng 5G tại 75 trạm; tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt 87,5%; tỷ lệ hộ gia đình có cáp quang băng rộng cố định đạt 81,7% cao hơn mức trung bình cả nước là 81%, xếp hạng 15 toàn quốc.

Cập nhật thông tin triển khai làm Căn cước cho người dân tại Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH Công an tỉnh. Ảnh: Anh Tuấn

Đồng chí Nguyễn Tri Long, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Trong thời gian tới với việc cắt sóng 2G, tỉnh cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, xây dựng kế hoạch đề ra giải pháp, có phương án phối hợp với các nhà mạng hỗ trợ thiết bị; có chính sách thu mua các điện thoại cũ sử dụng mạng 2G của người dân, đồng thời bán giảm giá các thiết bị điện thoại thông minh; sử dụng quỹ dịch vụ công ích để hỗ trợ điện thoại 4G cho người nghèo, khó khăn. Sở cũng đề nghị các nhà mạng nâng cao chất lượng đường truyền để góp phần vận hành, kết nối hiệu quả các dịch vụ công (DVC) trực tuyến trên địa bàn tỉnh.

Triển khai nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu (LGSP), nền tảng kho dữ liệu dùng chung để kết nối, tích hợp, chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu theo quy định. Hệ thống thông tin kinh tế - xã hội của tỉnh đã đưa vào vận hành và kết nối với hệ thống báo cáo của Chính phủ; nền tảng trợ lý ảo được triển khai thí điểm để hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng DVC toàn trình. Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được triển khai kết nối thành công với Cổng DVC của tỉnh theo Đề án 06, bảo đảm đúng thời gian quy định. Kết quả 53 DVC thiết yếu theo Đề án 06 trong 6 tháng đầu năm 2024 đã đạt được nhiều kết quả, chuyển biến tích cực (đạt 88,9%), tăng 15,14% so với 6 tháng đầu năm 2023. Hội nghị truyền hình trực tuyến được kết nối liên thông 4 cấp trung ương đến tỉnh, huyện và xã. Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc được triển khai, liên thông văn bản 4 cấp, việc trao đổi, xử lý văn bản trên môi trường mạng đạt 99,27% cấp tỉnh, 95,91% cấp huyện và 96,72% cấp xã (vượt chỉ tiêu theo Quyết định số 749/QĐ-TTg). Cổng DVC tỉnh được triển khai 858 DVC toàn trình, tích hợp lên Cổng DVC quốc gia 841/858 đạt 98,02%, 6 tháng đầu năm đã tiếp nhận 123.290 hồ sơ, trong đó hồ sơ trực tuyến đạt 77,47%, đồng bộ trạng thái lên Cổng DVC quốc gia đạt 90,91%. Đã ban hành danh mục DVC toàn trình và một phần theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP.

Kinh tế số, xã hội số từng bước hình thành và phát triển, tỷ trọng kinh tế số đạt 9,53% GRDP của tỉnh. Hoạt động thương mại điện tử, thương mại số từng bước được tăng cường; 100% DN đã triển khai chữ ký số và phần mềm kế toán điện tử, 100% DN, hộ kinh doanh đã kê khai đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, các nền tảng số. Hệ thống quản lý giáo dục được triển khai với 526 trường/4.584 lớp/135.076 học sinh; tổng số hồ sơ sức khỏe đã được làm sạch, cập nhật dữ liệu khám, chữa bệnh là 587.028 hồ sơ, đạt 89,6% và có 17/72 cơ sở y tế cấp xã trở lên có kết nối hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; triển khai thu nhận và cấp tài khoản định danh điện tử, đến nay đã có trên 49.424/68.774 tài khoản đạt 71,86%. Thanh toán không dùng tiền mặt đạt 153.871 tỷ đồng, chiếm 74,8%, tăng 52.542 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023, tỷ lệ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt trên 95%. Tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập ở cấp xã, thôn, khu phố (814 xã, phường với 444 tổ, thôn với 2.413 thành viên) góp phần thúc đẩy quá trình CĐS của tỉnh.