Phụ nữ Ninh Thuận tham gia chuyển đổi số

Để bắt nhịp xu thế chuyển đổi số (CĐS), Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội tích cực, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác hội và phong trào phụ nữ, qua đó không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động của hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đồng chí Nguyễn Thị Lý, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh cho biết: Xác định đổi mới phương thức hoạt động gắn với ứng dụng CNTT là 1 trong 2 khâu đột phá để thực hiện trong nhiệm kỳ 2021-2026. Đặc biệt, chủ đề của năm 2024 là tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động hội, nhiều hoạt động CĐS đã được các cấp hội triển khai, trong đó tập trung thực hiện các giải pháp như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản về CĐS; xây dựng và nhân rộng những mô hình CĐS; hỗ trợ cán bộ và hội viên (HV) tiếp cận với chính phủ điện tử và nền kinh tế số… Ngoài ra, chỉ đạo các cấp hội tích gia cuộc thi "Ứng dụng CNTT trong tổ chức sinh hoạt hội" năm 2024 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Kết quả có 35 sản phẩm dự thi, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã chọn 5 sản phẩm xuất sắc nhất tham gia cấp Trung ương.

Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phước Hải (Ninh Phước) ra mắt mô hình “Tổ phụ nữ ứng dụng công nghệ thông tin và tuyên truyền chuyên đề”.

Điểm sáng trong thời gian qua, hội đã khai thác hiệu quả, linh hoạt các phương tiện thông tin đại chúng để phục vụ công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp HV. Hiện nay, các cấp hội đã thành lập và khai thác có hiệu quả 604 nhóm zalo, 74 trang facebook, 74 trang fanpage của hội. Tất cả được đầu tư bài bản, chỉnh chu, tạo được sự tương tác của đông đảo HV, thúc đẩy hiệu quả việc tập hợp, thu hút phụ nữ sinh hoạt trên không gian mạng. Các nội dung tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới, các hoạt động truyền cảm hứng, các mô hình kinh tế hiệu quả, các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm... Không dừng tại đó, các cấp hội cũng tích cực hướng dẫn HV và các tầng lớp nhân dân cài đặt và sử dụng các ứng dụng số để thực hiện thủ tục hành chính; thanh toán không dùng tiền mặt; kích hoạt tài khoản định danh điện tử...

Trong công tác quản lý, điều hành, các cấp hội tăng cường sử dụng các phần mềm tác nghiệp, ứng dụng thông minh. Để thực hiện hoá mục tiêu trên, hằng năm, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng dụng CNTT, CĐS cho đội ngũ cán bộ. Kết quả, 100% cán bộ chuyên trách sử dụng thành thạo các phần mềm tin học cơ bản, sử dụng các công cụ trên môi trường mạng trong triển khai hoạt động hội. Hội duy trì phần mềm hệ thống quản lý văn bản và điều hành E-Office, phần mềm quản lý cán bộ, HV; xây dựng và chuyển tải tài liệu qua quét ứng dụng mã QR; tạo poster, soạn bài giảng sử dụng phần mềm Canva, PowerPoint…nhờ vậy rút ngắn thời gian trao đổi thông tin và tiết kiệm kinh phí. Từ đây cũng xuất hiện nhiều mô hình, hoạt động trong CĐS tiêu biểu của các cấp hội như: Chi hội phụ nữ khu phố 7, phường Thanh Sơn (Tp. Phan Rang – Tháp Chàm) tổ chức sinh hoạt HV trực tiếp kết hợp trực tuyến thông qua Ứng dụng phần mềm zalo; Hội LHPN huyện Ninh Hải tổ chức cuộc thi xây dựng Clip/video về “Ứng dụng CNTT trong truyền thông các điển hình tiên tiến”, mô hình “Tổ phụ nữ ứng dụng CNTT” của xã Phước Hải (Ninh Phước)…

Cùng với đó, các cấp hội tích cực hỗ trợ chị em HV tiếp cận với kinh tế số, đặc biệt quan tâm tới đối tượng HV vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vùng khó khăn nhằm nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới tại các xã đặc biệt khó khăn. Điển hình, trong hai năm 2023 và 2024, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 2 lớp tập huấn cho cán bộ hội và các ngành liên quan hỗ trợ công nghệ cho các tổ, nhóm với 151 người tham gia; 1 lớp tập huấn, tư vấn hỗ trợ kỹ thuật ứng dụng công nghệ 4.0 cho 30 HV, phụ nữ thuộc các tổ, nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ tại huyện Bác Ái. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Qua đó giúp HV phụ nữ DTTS xây dựng thương hiệu; đăng ký các tiêu chuẩn theo quy định; truy xuất nguồn gốc và tập huấn về quản lý chất lượng; hỗ trợ tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử, góp phần tạo điều kiện cho HV khởi nghiệp, có sinh kế ổn định và nâng cao thu nhập.

Để đáp ứng hơn nữa với yêu cầu CĐS, thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ triển khai 2 cuộc thi liên quan đến CĐS gồm: Cuộc thi “Ứng dụng CNTT trong hoạt động truyền thông của Hội LHPN các cấp” và cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu lịch sử Phụ nữ tỉnh Ninh Thuận”; đồng thời tuyên truyền, vận động đội ngũ cán bộ, HV nỗ lực trong trau dồi kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ số trong hoạt động chuyên môn, lao động, sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống và vị thế của phụ nữ trong xã hội.