Công nghiệp tăng trưởng khá

Sản xuất công nghiệp từ đầu năm đến nay có nhiều khởi sắc, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững. Trong tháng 5, hầu hết các sản phẩm công nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 15,3%, lũy kế 5 tháng đầu năm tăng 13,5% so cùng kỳ.

Đạt được kết quả đó là nhờ UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động phối hợp nắm bắt, thu thập thông tin, vận động các doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh để phát huy hiệu quả năng lực các sản phẩm hiện có. Những khó khăn liên quan đến các dự án điện mặt trời cơ bản cũng được giải quyết thông qua việc hỗ trợ DN đàm phán giá điện. UBND tỉnh đã tổ chức làm việc với Bộ Công Thương để trao đổi, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến việc bàn giao công trình Trạm biến áp 500kV Thuận Nam và các đường dây đấu nối 500kV, 220kV và thanh toán mua bán điện Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam. Qua đó, góp phần để ngành sản xuất và phân phối điện trong tháng 5 tăng 17%, lũy kế 5 tháng đầu năm tăng 14,4% so với cùng kỳ. Các sản phẩm công nghiệp khác cũng tăng, cụ thể: Công nghiệp khai khoáng tăng 1,48%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,5%...

Sản xuất bia tại Công ty Cổ phần bia Sài Gòn - Ninh Thuận. Ảnh: P.N

Xác định việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp là một trong những mục tiêu quan trọng, tỉnh đã tập trung hoàn thiện các chính sách khuyến khích đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN), qua đó nâng cao tỷ lệ lấp đầy ở các KCN. Đến nay, đã có 3 KCN xây dựng hạ tầng kỹ thuật và thu hút đầu tư. Cụ thể, KCN Thành Hải đã xây dựng hạ tầng kỹ thuật 58ha, thu hút 22 dự án đăng ký đầu tư gồm 2.622 tỷ đồng. KCN Phước Nam do Công ty Cổ phần Đầu tư Phước Nam - Ninh Thuận làm chủ đầu tư đã triển khai giai đoạn 1 quy mô 151ha, thu hút 13 dự án đăng ký đầu tư gồm 372 tỷ đồng. KCN Du Long do Công ty Cổ phần Đầu tư KCN Hoàng Thành Du Long làm chủ đầu tư, có 6 dự án thứ cấp đăng ký đầu tư với tổng vốn 1.937,58 tỷ đồng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trong KCN phát triển góp phần làm gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, tăng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp đáng kể vào thu ngân sách nhà nước của tỉnh.

Nhân viên vận hành các thiết bị công nghiệp tại Khu công nghiệp Du Long (Thuận Bắc). Ảnh: Văn Nỷ

Năm 2024, tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng GRDP từ 11-12%; riêng ngành công nghiệp đạt giá trị gia tăng từ 17-18%. Nhằm thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển, từ nay đến cuối năm tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng, các địa phương triển khai các bước tiếp theo Đề án thành lập Trung tâm Công nghiệp và Dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại Ninh Thuận. Hoàn thiện công tác lập, trình thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án LNG Cà Ná. Tiếp tục đôn đốc tiến độ triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, dự án sản xuất, kinh doanh dự kiến khởi công công trình trong năm 2024. Tập trung triển khai hiệu quả Đề án phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước gắn với Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII; đẩy nhanh hòa lưới điện quốc gia 120MW dự án năng lượng chuyển tiếp và triển khai nhanh cơ chế đấu thầu giá điện. Đồng thời, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng cho một số sản phẩm công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn như: Sản xuất bia, nha đam, chế biến thủy sản, vật liệu xây dựng, đá, xi măng... và đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp mới để tạo năng lực tăng thêm.