Về làng nghề bánh tráng An Thạnh trong những ngày giáp Tết, chúng tôi cảm nhận không khí sản xuất ở các lò bánh rất nhộn nhịp, đi đâu cũng bắt gặp những chiếc mê phơi bánh tráng trải dài trước sân nhà của các hộ dân. Tận mắt chứng kiến công đoạn tráng bánh bên bếp lửa hồng tại nhà bà Tô Em ở thôn An Thạnh 1, người có thâm niên hơn 30 năm trong nghề làm bánh tráng, chúng tôi càng hiểu hơn về niềm đam mê với nghề trên đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ nơi đây. Bà Em, cho biết: Gia đình tôi làm bánh tráng trên 50 năm, tôi được mẹ truyền dạy cho cách làm bánh từ lúc 14 tuổi. So với nhiều ngành nghề khác thì thu nhập không bằng, nhưng những người làm bánh tráng ở địa phương vẫn gắn bó với nghề. Nhờ nghề bánh tráng mà nhiều gia đình nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. Bước vào mùa bánh Tết, gia đình tôi phải tăng công suất làm bánh lên 30 - 35kg gạo/ngày, nhiều hơn 10kg so với ngày thường để kịp giao cho khách hàng ở trong tỉnh và Tp. Đà Lạt (Lâm Đồng). Mỗi năm vào dịp Tết là các lò hoạt động không ngơi tay và tăng công suất lên gấp 2 lần mới đủ bánh bán. Công việc làm bánh giáp Tết hơi mệt vất vả nhưng ai cũng vui vì cho thu nhập cũng khá.
Các hộ dân ở thôn An Thạnh 1, xã An Hải (Ninh Phước) phơi bánh tráng phục vụ Tết.
Cạnh lò bánh tráng nhà bà Thùy, lò bánh tránh nhà bà Nguyễn Thị Hường cũng rất nhộn nhịp với các công đoạn như tráng bánh, phơi bánh, sắp bánh thành phẩm từ sáng sớm đến chiều... Bà Hường, chia sẻ: Để kịp giao bánh cho các đơn đặt hàng trong dịp tết Nguyên đán, gia đình tôi bắt đầu công việc từ 4 giờ sáng cho tới 3 giờ chiều. Ngoài 2 người làm chính trong gia đình, tôi thuê thêm 1 lao động trong thôn để phụ và làm liên tục đến tận 28 tháng Chạp mới nghỉ. Nghề làm bánh tráng có thể sản xuất quanh năm nhưng nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết vì có nhiều đơn đặt hàng ở nhiều nơi, nhờ đó giúp bà con có nguồn thu nhập ổn định trong dịp Tết.
Trải qua bao thăng trầm, ngày nay làng bánh tráng An Thạnh vẫn phát triển cùng thời gian. So với nhiều loại bánh tráng được bán trên thị trường, bánh tráng làm bằng thủ công ở thôn An Thạnh 1 được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh lựa chọn bởi hương vị thơm ngon từ nguyên liệu gạo hột tròn do các hộ sản xuất lựa chọn tỉ mỉ khi xay có màu trắng tinh, sánh mịn và quyện mùi thơm cùng đôi bàn tay lành nghề của người tráng bánh tạo ra những chiếc bánh rất đều, dẻo, mè được rải trên mặt bánh trong rất đẹp mắt. Hiện ở làng bánh tráng An Thạnh sản xuất nhiều loại bánh với nhiều cách làm khác nhau, như: Bánh dùng để nướng, ăn kèm với gỏi thì phải tráng thật đều, nhiều mè và rất dày; Bánh dùng để cuốn với rau sống, thịt heo thì loại bánh mỏng, dẻo…đa dạng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Các hộ dân ở thôn An Thạnh 1, xã An Hải (Ninh Phước) đóng gói bánh tráng phục vụ Tết.
Ông Hồ Lê Phước, Trưởng thôn An Thạnh 1, cho biết: Làng nghề bánh tráng An Thạnh có từ hàng trăm năm nay, hiện toàn thôn còn trên 20 hộ duy trì nghề truyền thống. Hàng năm vào vụ Tết, các cơ sở sản xuất bánh tráng tăng công suất sản xuất, nhờ đó góp phần tăng thu nhập cho các cơ sở sản xuất và tạo điều kiện giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, thời gian qua, Trạm Y tế xã An Hải thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tập huấn, tuyên truyền các hộ sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, không sử dụng chất cấm trong sản xuất thực phẩm. Đến nay, hầu hết các hộ sản xuất bánh tráng đều tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, qua đó tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng khi sử dụng bánh tráng của địa phương.
Kha Hân