Bác Ái nâng cao chất lượng tín dụng chính sách từ Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư

Qua gần 11 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội (CSXH); cấp ủy, chính quyền huyện Bác Ái đã làm tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, đưa nguồn vốn của Chính phủ trở thành công cụ thiết thực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội địa phương.

Bác Ái là một trong 74 huyện nghèo của cả nước theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, huyện có 9 xã, với 38 thôn và có trên 90% hộ dân là người đồng bào dân tộc Raglai. Ông Trần Văn Ngọc, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bác Ái, cho biết: Trước đây, việc triển khai tín dụng CSXH trên địa bàn gặp nhiều khó khăn nhất định, do đa số hộ dân có tâm lý e ngại, chưa mạnh dạn vay vốn để phát triển sản xuất; chất lượng thực hiện nhiệm vụ ủy thác của các tổ chức hội, đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn chưa đồng đều; một số hộ vay chấp hành chưa tốt nghĩa vụ trả nợ, trả lãi theo quy định. Xuất phát từ thực tế trên, bám sát nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, đơn vị đã tập trung nghiên cứu các giải pháp đề xuất, tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện ban hành các nghị quyết, kế hoạch, tăng cường công tác chỉ đạo, phát huy vai trò phối hợp của các phòng, ban, địa phương trong việc quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả; nâng cao phương thức hoạt động ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội, điểm giao dịch xã và kiện toàn tổ tiết kiệm và vay vốn để chuyển tải kịp thời vốn vay đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội giúp nhiều hộ dân ở xã Phước Chính (Bác Ái) có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.

Đặc biệt, với việc Chủ tịch UBND cấp xã tham gia vào Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH cấp huyện đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương; qua đó, giúp phòng giao dịch nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc hoạt động vay vốn từ cơ sở và có hướng xử lý, điều chỉnh phù hợp. Công tác tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của tín dụng CSXH được quan tâm đẩy mạnh, giúp người dân và các hộ vay vốn ngày càng nâng cao ý thức, trách nhiệm hơn đối với khoản vay của mình, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ khi vay vốn; đồng thời, tổ chức lồng ghép đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật gắn với hoạt động cho vay vốn; nhờ đó, trên địa bàn ngày càng xuất hiện nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Chị Katơr Thị Túy, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Đá Ba Cái, xã Phước Thành, chia sẻ: Tổ tôi đang quản lý có 49 hộ, với dư nợ trên 1,9 tỷ đồng, hầu hết tổ viên đều khó khăn về tài chính; nhờ được tiếp cận vốn vay Ngân hàng CSXH nên có điều kiện cải tạo đất trồng bắp, mì, chăn nuôi bò, dê, cừu. Đến nay, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, đời sống khá giả; 100% tổ viên tham gia gửi tiết kiệm, trả nợ gốc, đóng lãi hằng tháng đúng quy định, nhiều năm liền trong tổ không phát sinh nợ quá hạn.

Qua triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, quy mô tăng trưởng tín dụng trên địa bàn huyện Bác Ái không ngừng mở rộng, số lượt người được tiếp cận thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi ngày càng nhiều, với gần 72% số hộ dân đang có dư nợ tại Ngân hàng CSXH. Đến nay, toàn huyện có trên 5.800 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, với số tiền trên 295 tỷ đồng, tập trung cho vay trên các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp; giáo dục và đào tạo, công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; giải quyết việc làm... Nguồn vốn Ngân hàng CSXH cùng với các nguồn lực khác đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm trên 5%; đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương cùng với Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bác Ái tăng cường rà soát, tổ chức bình xét cho vay đúng đối tượng thụ hưởng, đúng mục đích sử dụng vốn từng chương trình. Nâng cao công tác quản lý, giám sát thu hồi nợ và xử lý nợ rủi ro; đẩy mạnh tuyên truyền quyền lợi, trách nhiệm khi vay vốn, định hướng hộ vay xây dựng các mô hình làm ăn phù hợp, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.




  

 
Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp quý I/2025