Ðến xã Hòa Sơn vào thời điểm này, chúng tôi ghi nhận không khí nông dân đang bước vào cao điểm thu hoạch mì trong tâm thế phấn khởi bởi giá bán khá cao. Ông Nguyễn Tấn Hòa, thôn Tân Lập, xã Hòa Sơn cho biết: Gia đình tôi có 1,1ha đang thu hoạch, dự kiến thu được khoảng 20 tấn/ha. Với năng suất này thì chỉ đạt trung bình, nhưng bù lại được giá bán cao nên tôi vẫn có lãi khá. So với năm ngoái, thì giá mì năm nay tăng gấp đôi, bà con ai cũng mừng. Vừa bán xong 1ha mì với niềm vui “được mùa, được giá”, ông Huỳnh Thanh Lưu, thôn Tân Hòa, xã Hòa Sơn, chia sẻ: Đất trồng mì của gia đình có mặt đất bằng, cùng với việc chăm sóc, bón phân đầy đủ nên cho năng suất cao, 1ha thu được 32 tấn, hàm lượng tinh bột được 28% nên có giá 2.960 đồng/kg, trừ hết chi phí tôi có lãi khoảng 30 triệu đồng. Năm nay gia đình tôi cũng như hàng trăm hộ trồng mì trong vùng rất phấn khởi vì mì được giá bán cao, mọi người ở đây có được cái Tết đủ đầy hơn.
Nông dân xã Quảng Sơn (Ninh Sơn) thu hoạch mía niên vụ 2023-2024.
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn, cho biết: Mì là cây trồng chủ lực của nông dân địa phương, với tổng diện tích trồng 1.180ha. Nên năm nay với những diện tích xuống giống gặp thời tiết thuận lợi cho năng suất mì đạt bình quân 20-25 tấn/ha. Đối với những diện tích đầu tư, chăm sóc tốt năng suất đạt 30-35 tấn/ha. Hiện tại công ty đang thu mua với giá từ 2.500-3.200 đồng/kg (tùy theo hàm lượng tinh bột), đây là tín hiệu vui cho nông dân. Tuy nhiên, để đảm bảo đầu ra ổn định cho người trồng mì, địa phương khuyến cáo nông dân không nên mở rộng diện tích ồ ạt, mà sản xuất theo kế hoạch. Đồng thời, vận động người dân mạnh dạn đưa các giống mì mới cho năng suất cao vào canh tác kết hợp đồng bộ với việc cơ giới hóa từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch để cây mì đạt hiệu quả cao hơn trong vụ tới.
Xã Quảng Sơn được xem là “thủ phủ” của vùng nguyên liệu mía, với tổng diện tích trồng trên 1.300ha cũng đang hối hả thu hoạch cho kịp lịch thu mua của nhà máy. Năm nay, giá mía được công ty thu mua trên 1 triệu đồng/tấn (tùy theo chữ đường), mía được giá, người trồng phấn khởi và đẩy nhanh tiến độ thu hoạch để bắt kịp thời vụ tiếp theo. Gia đình ông Phan Tuân, thôn Triệu Phong, xã Quảng Sơn có 5ha mía đã cho thu hoạch, năng suất đạt 70 tấn/ha. Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình nên khi mía được giá bán ông rất phấn khởi. Ông Tuân chia sẻ: Mía được chăm sóc tốt, có sản lượng thì với giá này người trồng mía đã có lãi và có thể “gánh” được chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công. Gia đình tôi thu 5ha được trên 350 tấn đã nhập về nhà máy, được công ty đo chữ đường và báo giá 1.150.000 đồng/tấn, sau khi trừ chi phí sản xuất gia đình có lãi khoảng 25 triệu đồng/ha.
Những năm gần đây người trồng mía trên địa bàn huyện Ninh Sơn yên tâm hơn với cây trồng chủ lực này vì được Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa- Phan Rang ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Ngoài việc hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật canh tác, công ty còn cho hộ trồng ứng vốn để đầu tư sản xuất mía và được khấu trừ sau khi thu hoạch. Ông Trần Văn Chiến, thôn La Vang, xã Quảng Sơn, cho biết: Với vùng đất chưa chủ động được nguồn nước tưới thường xuyên thì mía đang được xem là cây trồng phù hợp tại địa phương. Trồng mía được công ty bao tiêu thu mua 100% nên không lo đầu ra; tiền mua phân, thuốc có công ty hỗ trợ, giúp nông dân an tâm sản xuất. Năm nay mía cho năng suất từ 70-80 tấn/ha, giá mía được duy trì ổn định thì người trồng mía tự tin đạt mức lợi nhuận từ 20-30 triệu động/ha. Vì thế “vụ mía ngọt” năm nay đã mang đến cho tôi cũng như bà con địa phương một cái Tết ấm.
Ông Dương Đăng Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn, cho biết: Niên vụ 2023-2024, toàn huyện trồng 3.155ha mì, 2.481ha mía, chủ yếu ở các xã: Hòa Sơn, Quảng Sơn và Mỹ Sơn. Để đảm bảo đúng tiến độ thu hoạch mía, mì, huyện đã làm việc với các đơn vị thu mua và chính quyền địa phương, khuyến cáo người dân tập trung nhân công, phương tiện thu hoạch theo lịch thu mua nhằm kịp triển khai cho niên vụ tiếp theo để duy trì sự phát triển, sinh trưởng ổn định. Đồng thời, để người dân gắn bó và tăng hiệu quả kinh tế của cây mía, mì, huyện cũng tập trung xây dựng vùng nguyên liệu ổn định ở những khu vực có điều kiện thuận lợi cho cây mía, mì phát triển; hỗ trợ người trồng mía, mì chuyển đổi giống chất lượng, có năng suất cao; tăng cường đầu tư khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
Kim Thùy