Tại cuộc họp, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã báo cáo kết quả Đề án lập hồ sơ quản lý nương rẫy trong quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh; kết quả rà soát các nội dung liên quan về tổ chức hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí trong rừng theo quy định của Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 17/8/2024 của Chính phủ. Theo đó, nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp phục vụ công tác quản lý rừng trên địa bàn tỉnh, với sự chỉ đạo của lãnh đạo Sở NN&PTNT, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm; đơn vị nhà thầu đã phối hợp cùng với đơn vị tư vấn phụ trách xây dựng hệ thống giám sát rừng thông minh phục vụ chuyển đổi số trong lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh và cán bộ chuyên môn của Chi cục Kiểm lâm; tiến hành thực hiện cập nhật dữ liệu quản lý nương rẫy vào phần mềm hệ thống giám sát rừng thông minh (FMS_NinhThuan) trên nền tảng WebGIS. Kết quả điều tra, đo vẽ, thu thập số liệu tại hiện trường diện tích đất có canh tác nương rẫy trong 3 loại rừng trên địa bàn, với tổng diện tích đất nương rẫy đã được đo vẽ hơn 15.740 ha/ 13.687 thửa đất. Trong đó, diện tích đất rừng đặc dụng chiếm hơn 3.614 ha, tương đương 22,964%. Đất rừng phòng hộ có diện tích lớn nhất với gần 7.852 ha, chiếm 49,883%. Đất rừng sản xuất chiếm gần 4.274 ha, tương ứng 27,153% tổng diện tích.
Đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận cuộc họp.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 2395/UBND-KTTH ngày 7/6/2019 về việc xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng, đến nay có 8 đơn vị chủ rừng đã xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững đến năm 2030 theo đúng quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 27, Luật Lâm nghiệp; 7 đơn vị chủ rừng đã lập và được UBND tỉnh phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong khu rừng. Sau khi UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt, Sở NN&PTNT ban hành văn bản đôn đốc, hướng dẫn thực hiện đề án, các đơn vị chủ rừng đã phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Thuận, Báo Ninh Thuận công bố công khai đề án; đồng thời, đăng tải nội dung đề án, quyết định phê duyệt đề án trên website của các đơn vị; ban hành quyết định thành lập tổ triển khai thực hiện đề án tại đơn vị nhằm phối hợp với các tổ chức cá nhân được chọn thuê môi trường rừng xây dựng kế hoạch cụ thể, lập dự án sử dụng môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phù hợp với nội dung đề án đã được phê duyệt.
Cuộc họp nghe lãnh đạo Ban Quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa báo cáo kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo Khu DTSQTG Núi Chúa. Theo đó, trong năm 2024, Ban Chỉ đạo Khu DTSQTG Núi Chúa đã triển khai các hoạt động như: Tọa đàm họp mặt nhằm cung cấp thông tin các giá trị về đa dạng sinh học, công tác bảo tồn, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa, con người và tầm quan trọng của Khu DTSQTG Núi Chúa đến các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan và cộng đồng người dân địa phương; xây dựng quy chế quản lý và bảo vệ môi trường; tổ chức diễn đàn trực tuyến báo cáo các hoạt động sinh quyển năm 2023 và phương hướng năm 2024 của Khu DTSQTG Núi Chúa...
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị trên cơ sở dữ liệu Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng, Sở NN&PTNT cập nhật, hoàn thiện bản đồ quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp và phân định ranh giới các khu vực canh tác nương rẫy với diện tích rừng; phát triển các mô hình sinh kế gắn liền với rừng để người dân coi việc bảo vệ và phát triển rừng là một một trong những trụ cột phát triển bền vững. Ban Quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa tăng cường công tác truyền thông nhằm tuyên truyền, hưởng ứng các hoạt động liên quan về đa dạng sinh học; vận dụng các hình thức quản lý, bảo tồn, phát triển có hiệu quả Khu DTSQTG Núi Chúa một cách linh động và hợp lý...
Kha Hân