Từ ngày 23/9 đến 1/10, DTLCP đã xảy ra tại 4 hộ chăn nuôi của 3 huyện (Ninh Sơn, Thuận Bắc, Bác Ái), số lượng lợn bệnh, chết và tiêu hủy là 273 con (trong đó, tiêu hủy là 90 con với trọng lượng 1.810,4kg). Các địa phương xảy ra DTLCP đã tiến hành công bố dịch bệnh theo quy định. Trước tình hình trên, ngày 1/10, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo các ngành chức năng có liên quan, các địa phương tập trung thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh; chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.
Lực lượng chức năng phun hóa chất tiêu độc, khử trùng chuồng trại tại thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc).
Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Qua điều tra dịch tễ, hiện nay DTLCP đang có chiều hướng lây lan nhanh, rộng qua các hộ khác, xã khác. Để ngăn chặn, khống chế có hiệu quả DTLCP, ngành nông nghiệp đã công khai số điện thoại đường dây nóng Chi cục Chăn nuôi và Thú y 02593.504660 để tiếp nhận thông tin tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, cử cán bộ thú y phối hợp với chính quyền địa phương theo dõi, giám sát diễn biến dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt tại các hộ có dịch bệnh, các hộ chăn nuôi khác trên địa bàn xã Nhơn Sơn, Bắc Sơn, Phước Tiến và các xã xung quanh. Đối với công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường, tổng số hóa chất đã sử dụng (từ ngày 26/9 đến 1/10) là 814 lít Benkocid, trong đó tổ chức phun xịt tập trung 219 lít, cấp phát 595 lít/595 lượt hộ dân tự phun xịt. Đến nay số lượng hóa chất Benkocid đang dự phòng tại các Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tại địa phương: 2.838 lít Benkocid; tại kho của Chi cục 3.361 lít Benkocid. Đối với công tác kiểm dịch xuất, nhập tỉnh, hiện Trạm Kiểm dịch động vật Thuận Bắc và 3 chốt kiểm dịch động vật tạm thời (tại các địa phương có dịch) bố trí cán bộ trực 24/24 giờ để đảm bảo kiểm soát tất cả các phương tiện vận chuyển động vật lưu thông trên các tuyến đường quốc lộ thuộc địa bàn tỉnh và ra vào các ổ dịch. Với tinh thần quyết liệt chủ động, phương châm “phòng bệnh là chính”, tuyệt đối không để lây lan DTLCP vào các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, đảm bảo hiệu quả kinh tế tỉnh nhà; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị các cơ sở, trang trại chăn nuôi lợn tích cực phối hợp thực hiện việc tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ lây nhiễm DTLCP từ môi trường, con giống, thức ăn, con người, phương tiện..., tăng cường các quản lý, kiểm soát ra vào cơ sở, đặc biệt là các biện pháp an toàn sinh học nhằm phòng ngừa tuyệt đối dịch bệnh lây nhiễm vào cơ sở. Đồng thời, chủ động lấy mẫu giám sát dịch bệnh tại cơ sở theo hướng dẫn của Cục Thú y; theo dõi sức khỏe đàn lợn để báo cáo dịch bệnh kịp thời...
Theo đồng chí Trần Minh Từ, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải, thực hiện Kết luận của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng tại cuộc họp trực tuyến nghe báo cáo, chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh, Sở Giao thông vận tải đã có văn bản yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bến xe khách thực hiện có hiệu quả biện pháp tuyên truyền về phòng, chống DTLCP; tuyên truyền đội ngũ lái xe thực hiện đúng quy định nghiêm cấm vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn trên các phương tiện vận chuyển khách công cộng, chưa qua kiểm dịch; các bến xe không làm thủ tục xuất nhập bến cho các phương tiện vi phạm vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc làm ảnh hưởng đến sức khỏe của hành khách, đồng thời, chủ động xây dựng phương án phối hợp xử lý với các cơ quan, đơn vị có liên quan khi phát hiện các trường hợp vận chuyển lợn không rõ nguồn gốc, nghi ngờ nhiễm bệnh DTLCP và bố trí khu vực cách ly đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả. Bên cạnh đó, Thanh tra Sở Giao thông vận tải, chú trọng kiểm tra, kiểm soát, có biện pháp ngăn chặn việc vận chuyển trái phép các sản phẩm, gia súc, gia cầm, lợn và các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc và không có chứng nhận kiểm dịch y tế của cơ quan có thẩm quyền trên các phương tiện vận tải tại các bến xe, các cửa ngõ ra, vào của tỉnh...
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo UBND cấp xã phối hợp với lực lượng thú y rà soát, nắm bắt thông tin, số lượng chính xác các cơ sở chăn nuôi (hộ chăn nuôi, trang trại, công ty) và quy mô đàn lợn trên địa bàn quản lý để tăng cường tuyên truyền đến từng cơ sở chăn nuôi về tính chất nguy hiểm của bệnh DTLCP, diễn biến dịch bệnh, nguy cơ lây lan và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP để chủ cơ sở chăn nuôi biết và chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP theo quy định; yêu cầu các chủ cơ sở chăn nuôi cam kết không giấu dịch, phải báo ngay cho cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương khi phát hiện đàn lợn có dấu hiệu nhiễm bệnh (có biểu hiện bất thường, chết nhanh, chết nhiều) và khuyến cáo các chủ cơ sở chăn nuôi chỉ tổ chức tái đàn khi hết dịch bệnh và đảm bảo các điều kiện chăn nuôi theo quy định về phòng, chống bệnh DTLCP. Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra chặt chẽ hoạt động chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh, vận chuyển lợn và sản phẩm lợn trên địa bàn; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người chăn nuôi về phòng, chống dịch bệnh, thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; vận động người dân thực hiện “5 không” với bệnh DTLCP: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ tiêu thụ thịt lợn bệnh, thịt lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa cho lợn ăn mà chưa qua xử lý nhiệt.
Xuân Nguyên