Trong khi đó, Mỹ và Nhật Bản đang nỗ lực giành lại vị trí thống trị mà hai nước đã nắm giữ vào giữa những năm 1980, trước khi để mất thị phần vào tay Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).
Mặc dù theo đuổi các chiến lược riêng, nhưng các quốc gia đều có chung một mục tiêu là khẳng định ảnh hưởng của mình đối với ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Kết quả cuối cùng của “cuộc đua” sẽ được quyết định nhờ khả năng ai đảm bảo được lực lượng lao động lành nghề cần thiết, để có thể dẫn đầu trong lĩnh vực này?
Thiếu hụt nhân lực đã trở thành một yếu tố quan trọng, tác động tới sự thành công của các chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn quốc gia. Ví dụ, để có thể vươn lên là “người dẫn đầu” ngành công nghiệp bán dẫn thế giới, Mỹ sẽ phải giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực trong ngành này, để có thể đạt được con số dự kiến là 146.000 người vào năm 2029.
Công nhân nhà máy GlobalFoundries vận hành dây chuyền sản xuất chip tại cơ sở ở Malta.
Hiện nay, mỗi năm, chỉ có 1.500 kỹ sư mới gia nhập vào ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ. Sự thiếu hụt lao động kỹ năng đã và đang làm chậm lại các dự án sản xuất chất bán dẫn ở Mỹ và một số quốc gia khác.
Chính sự thiếu hụt lao động lành nghề đã “châm ngòi” cho một cuộc cạnh tranh thu hút các kỹ sư công nghệ trên toàn cầu. Các quốc gia tích cực “lôi kéo” kỹ sư giàu kinh nghiệm từ những nơi khác, bằng những lời chào mời tăng lương, tăng chế độ ưu đãi, hợp đồng dài hạn và thậm chí cho phép nhập cư theo diện tay nghề... Giữa bối cảnh đó, nguồn cung lao động lành nghề từ Hàn Quốc đã nổi lên, thu hút sự chú ý toàn cầu.
Các kỹ sư chuyên về công nghệ bán dẫn của Hàn Quốc đóng vai trò trung tâm trong việc đưa nước này vươn lên vị trí đứng đầu ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, đặc biệt là về chip bộ nhớ băng thông cao (HBM) - một loại bộ nhớ tiên tiến được thiết kế để cung cấp cả băng thông cao và mức tiêu thụ điện năng thấp, thường được dùng trong các bộ vi xử lý đồ họa, cung cấp năng lượng cho các hệ thống chip trí tuệ nhân tạo (AI) thế hệ mới như ChatGPT - và trong hoạt động gia công chip (tức là chịu trách nhiệm thực hiện giai đoạn trước của quy trình sản xuất chất bán dẫn, dựa trên các dữ liệu thiết kế của khách hàng).
Cuộc cạnh tranh giành tài năng công nghệ Hàn Quốc bắt đầu với sáng kiến “Made in China 2025” của Trung Quốc. Cường quốc châu Á có tham vọng đạt được khả năng tự chủ về sản xuất chip. Chuyên môn cao của các kỹ sư Hàn Quốc là yếu tố quan trọng giúp thu hẹp khoảng cách công nghệ trong hoạt động sản xuất chip tiên tiến. Điều này làm phát sinh những lo ngại về khả năng rò rỉ công nghệ của Hàn Quốc.
Theo TTXVN