An ninh lương thực toàn cầu đứng trước nhiều thách thức

Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), xung đột gia tăng và các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng lương thực, với hơn 25% trẻ em phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng.

UNICEF cho biết 27% trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn cầu bị thiếu ăn nghiêm trọng trong năm 2022. Hơn 1/3 trong số 181 triệu trẻ em bị ảnh hưởng sống ở Nam Á, nơi cứ 5 trẻ sơ sinh thì có 2 trẻ thiếu ăn, tức hàng ngày chỉ được ăn hai trong tám nhóm thực phẩm theo định nghĩa của UNICEF. Trong đó, các quốc gia như Afghanistan (Áp-ga-ni-xtan) và Ấn Độ đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề.

Trẻ em nhận lương thực cứu trợ tại Mogadishu, Somalia.

Vấn đề này đã trở nên trầm trọng hơn do sự gia tăng các xung đột, các cú sốc khí hậu và khủng hoảng kinh tế. Trong đó, theo một báo cáo gần đây của Mạng lưới thông tin an ninh lương thực, xung đột là nguyên nhân chính gây ra tình trạng thiếu ăn. Gần 135 triệu người trên khắp 20 quốc gia phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trong năm 2023 do hậu quả của xung đột, tăng 82% so với con số 74 triệu người bị ảnh hưởng vào năm 2018.

Theo ước tính của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), 309 triệu người ở 71 quốc gia khác nhau đang bị ảnh hưởng bởi nạn đói trong năm 2024, tăng gần 200 triệu người so với trước đại dịch COVID-19. Phần lớn những người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng sống ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang.

Tại Gaza, xung đột giữa Israel (I-xra-en) và lực lượng Hamas càng làm nạn đói ở trẻ em tăng mạnh. Theo ước tính, 88% trẻ em ở đây đang bị thiếu ăn nghiêm trọng. Đây là một trong những mức cao nhất từng được ghi nhận tại khu vực này, tăng từ 13% vào năm 2020. Bên cạnh đó, căng thẳng giữa Nga và Ukraine (U-crai-na), hai quốc gia sản xuất lúa mỳ lớn, cũng đã làm xáo trộn chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu.

Mặc dù báo cáo cho thấy tỷ lệ trẻ em thiếu ăn nghiêm trọng hầu như không thay đổi ở một nửa trong số 64 quốc gia có ghi nhận dữ liệu từ năm 2012, gần 20% số quốc gia được khảo sát từ 10 năm trước cho đến nay đã chứng kiến tình hình thiếu ăn trầm trọng hơn. Tình trạng mất an ninh lương thực tại nhiều khu vực này đã tăng cao, khi sự gia tăng tình trạng hạn hán và lũ lụt do biến đổi khí hậu đã “xóa sổ” nhiều vùng đất canh tác rộng lớn.

Mạng lưới hệ thống cảnh báo sớm nạn đói, một nhóm nghiên cứu được Chính phủ Mỹ tài trợ, ước tính hiện tượng El Niño đang diễn ra sẽ ảnh hưởng đến sản lượng cây trồng trên ít nhất 25% diện tích đất nông nghiệp của thế giới.

Nhìn từ quá khứ, các nhà nghiên cứu từ FewsNet, một cơ quan nghiên cứu của Mỹ, cho biết El Niño kết hợp với biến đổi khí hậu toàn cầu có thể làm giảm sản lượng gạo ở Đông Nam Á, nơi gạo là mặt hàng lương thực chính yếu.