Hiệu quả mô hình liên kết trồng cây dược liệu

Nắm bắt nhu cầu sử dụng sản phẩm từ các loại cây dược liệu trên thị trường ngày càng tăng cao, một số hộ dân trên địa bàn xã Phước Đại (Bác Ái) đã chủ động hợp tác với Công ty Cổ phần thảo dược Liên Kết Việt Nam (gọi tắt Công ty) mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư xây dựng mô hình trồng cây dược liệu để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp đến thăm vườn đinh lăng đang phát triển tươi tốt dưới tán điều của gia đình ông Phan Công Thời ở thôn Tà Lú 1, xã Phước Đại (Bác Ái). Là hộ nông dân đầu tiên tham gia thử nghiệm trồng cây đinh lăng, ông Phan Công Thời chia sẻ: Sau thời gian tham quan, học hỏi từ mô hình của Công ty, tôi nhận thấy thổ nhưỡng ở địa phương phù hợp với các loại cây trồng dễ chăm sóc như đinh lăng. Đây là loại cây dược liệu quý, lá, thân, gốc đều dùng làm thuốc chữa nhiều loại bệnh nên được thị trường rất ưa chuộng. Được Công ty hỗ trợ từ kỹ thuật, giống và đầu ra tôi trồng thử nghiệm 5 sào đinh lăng. Để cây phát triển đúng kỹ thuật, tôi dẫn nước từ núi về ao chứa và áp dụng tưới tiết kiệm. Chỉ sau 4 tháng trồng, vườn đinh lăng đã đạt độ cao từ 20-25cm, tỷ lệ cây sống đạt gần 90%. Dự kiến khi vườn đinh lăng đạt 1 năm tuổi sẽ bắt đầu cho thu hoạch lá.

Ông Phan Công Thời ở thôn Tà Lú 1, xã Phước Đại (Bác Ái)
chăm sóc vườn cây đinh lăng.

Khi thấy cây đinh lăng thích nghi nhanh với điều kiện thổ nhưỡng và không lo lắng về thị trường tiêu thụ, ông Thời đã mạnh dạn mở rộng diện tích thêm 1,5ha và thành lập tổ hợp tác trồng dược liệu với 7 thành viên. Ban đầu, 7 thành viên này tham gia trực tiếp vào việc trồng, chăm sóc vườn đinh lăng và được trả công 250.000 đồng/ngày. Khi các thành viên nắm vững quy trình canh tác sẽ được tổ hợp tác chuyển giao cây giống để mở rộng diện tích. Ông Katơr Phương, thôn Ma Hoa, xã Phước Đại (Bác Ái), thành viên tổ hợp tác chia sẻ: Tôi nhận thấy đây là mô hình có triển vọng, giúp người dân có thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Tham gia tổ hợp tác, giúp tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm, sau này dễ dàng phát triển mở rộng diện tích trồng cây đinh lăng phát triển kinh tế.

Việc chuyển giao cây giống và kỹ thuật canh tác giúp cho tổ hợp tác chủ động mở rộng diện tích trồng cây dược liệu, nâng cao thu nhập ổn định cuộc sống, đồng thời tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động địa phương. Ông Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần thảo dược Liên Kết Việt Nam cho biết: Hiện nay, công ty đã xây dựng được vùng nguyên liệu trồng đinh lăng, khổ qua rừng với diện tích hơn 120ha, qua đó chế biến, cung ứng ra thị trường các sản phẩm: Nước uống đinh lăng đóng chai, trà đinh lăng, trà khổ qua rừng…Trong năm 2024, công ty phát triển chuỗi kiên kết giá trị, phát triển liên kết mở rộng vùng nguyên liệu trên 500 ha, đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy chế biến công nghệ cao phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, tạo nhiều việc làm cho người lao động địa phương. Doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ đầu tư xây dựng chuỗi liên kết từ khâu trồng, thu hoạch đến tiêu thụ sản phẩm.

Phát triển cây dược liệu đang là hướng đi mới đang được UBND xã Phước Đại khuyến khích đầu tư để phát triển kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng tại địa phương. Ông Chamaléa Thuần, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đại (Bác Ái) cho biết: Không chỉ người dân được hưởng lợi mà qua đó còn phát huy được những lợi thế về đất đai, hệ thống thủy lợi của địa phương do vậy các cấp chính quyền luôn tạo điều kiện, hỗ trợ bà con tham gia mô hình liên kết.

Mô hình trồng cây đinh lăng tại xã Phước Đại là minh chứng cho sự thành công khi người nông dân, doanh nghiệp và chính quyền hợp tác một cách chặt chẽ. Mô hình không chỉ mở ra một triển vọng mới trong phát triển vùng dược liệu, mà còn góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.