Trong 3 năm 2021-2023, tỉnh đã huy động được 1.505,7 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Bên cạnh đó, từ nguồn ngân sách trung ương, tỉnh cũng đã bố trí 1.958,3 tỷ đồng đầu tư hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai, phục vụ khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản, góp phần quan trọng cung cấp nước sinh hoạt, phát triển nông nghiệp, công nghiệp và giải quyết tốt các vấn đề về thiên tai.
Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Các dự án công trình thủy lợi được đầu tư trên địa bàn tỉnh đã thúc đẩy nông nghiệp phát triển, gia tăng giá trị kinh tế trên diện tích sản xuất. Nổi bật, năm 2023 đã khai thác hiệu quả hệ thống thủy lợi hiện có gắn với phát huy hiệu quả hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, diện tích sản xuất chủ động tưới đạt 62,38%; trong năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng được 1.669ha, vượt 28,4% kế hoạch, trong đó chuyển đổi 657,7ha đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng đặc thù có hiệu quả kinh tế cao, lũy kế từ đầu nhiệm kỳ đến nay chuyển đổi được 1.920,7ha, đạt 96% mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV; giá trị sản xuất bình quân 143,8 triệu đồng/ha đất sản xuất, cao hơn 5 triệu đồng/ha so với năm 2022.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động hưởng ứng phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu được chú trọng thực hiện với phương châm “Dân cần, dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân hưởng thụ”. Nhờ đó, đến cuối năm 2023 toàn tỉnh có 2/6 huyện đạt chuẩn NTM; 33/47 xã (70,2%) đạt chuẩn NTM, trong đó 14 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 50/254 thôn đạt chuẩn thôn NTM, trong đó có 2 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu. Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc; đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn được nâng lên rõ rệt.
Đồng chí Đặng Kim Cương, cho biết thêm: Theo Quyết định số 705/2022/QĐ-UBND của UBND tỉnh phê duyệt Đề án xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn Ninh Thuận, tỉnh xác định thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM theo nguyên tắc “Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp là động lực, NTM là nền tảng, nông dân là chủ thể”. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 có 4 huyện đạt chuẩn NTM, trong đó có 1 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; 38 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và có 216 thôn đạt chuẩn NTM, trong đó có 13 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Để đạt các mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ tập trung hoàn thành 5 nhóm tiêu chí về quy hoạch; hạ tầng kinh tế - xã hội; văn hóa, xã hội, môi trường và hệ thống chính trị đảm bảo đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của bộ tiêu chí NTM các cấp giai đoạn 2021-2025. Đồng thời đề ra 6 nhóm giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện đề án với tổng nguồn vốn huy động trên 10.000 tỷ đồng. Tỉnh quyết tâm thực hiện hiệu quả 11 nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; 6 chương trình chuyên đề trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến các vấn đề về môi trường, an toàn thực phẩm, nước sạch, phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo; thực hiện Chương trình OCOP; chuyển đổi số và phát triển du lịch nông thôn; ưu tiên phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân; chú trọng phát triển kinh tế tập thể; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn.
Phát huy tối đa vai trò của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng để phấn đấu hoàn thành, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, xây dựng NTM thông minh.
Xuân Bính