Hiệu quả mô hình trồng cây sa sâm trên vùng đất cát

Cây sa sâm hay còn gọi là sâm biển, là loài dược liệu quý, dùng để chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe. Biết được giá trị của cây sa sâm, ông Trần Đắc Huân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã (HTX) Tổng hợp nông nghiệp 3 Hưng ở xã Nhơn Hải (Ninh Hải) đã mạnh dạn đưa giống dược liệu quý này vào sản xuất trên diện rộng.

Một ngày đầu năm mới 2024, chúng tôi đến thăm mô hình trồng cây sa sâm của HTX Tổng hợp nông nghiệp 3 Hưng, tận mắt chứng kiến những luống sa sâm phát triển xanh tốt trong khu đất rộng 1ha. Ông Trần Đắc Huân, chia sẻ: Cây sa sâm thực chất là một loại rau, thường mọc ở những vùng ven biển, lá dùng để nấu canh, nấu nước uống, còn củ thì để ngâm rượu. Vài năm trở lại đây, các nhà khoa học phát hiện giá trị dinh dưỡng cao trong loài cây này, khẳng định đây là giống cây dược liệu quý nên đầu năm 2023 tôi quyết định đầu tư trồng thử và bước đầu cho hiệu quả rất khả quan.

Sản phẩm sa sâm khô được trưng bày tại điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP
của HTX Tổng hợp nông nghiệp 3 Hưng.

Theo ông Huân, sa sâm là loại cây chịu hạn, chỉ thích hợp trồng ở những vùng đất cát biển, kỹ thuật trồng cây sa sâm khá đơn giản, chỉ cần làm đất thành luống cao khoảng 70cm, xử lý đất bằng vôi bột, trộn phân hữu cơ vào đất rồi trồng như các loại rau khác. Giống sa sâm này cũng dễ mua với giá dao động từ 80.000-90.000 đồng/kg. Cây sa sâm trồng thích hợp nhất từ tháng 11 Âm lịch năm trước đến tháng 8 năm sau là có thể thu hoạch được. Hiện tại giá bán sa sâm khô dao động từ 500.000-600.000 đồng/kg, tùy kích cỡ củ.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, cây sa sâm là thảo dược quý, có vị đắng, ngọt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế và ích vị sinh tân. Sa sâm thường được dùng để chữa viêm phế quản, ho khan, sốt, sản phụ ít sữa...

Hiện nay, HTX Tổng hợp nông nghiệp 3 Hưng đang trưng bày, bán các sản phẩm sa sâm tươi, sa sâm khô, rượu sa sâm. Đồng thời, tổ chức giới thiệu khách tham quan cách trồng, chăm sóc và thu hoạch sa sâm tại vườn. Ông Huân, chia sẻ thêm: Sau thời gian trồng thử nghiệm thành công, trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục liên kết với người dân để mở rộng vùng nguyên liệu lên khoảng 10ha đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ chế biến các sản phẩm: Trà túi lọc sa sâm, rượu sa sâm, nước giải khát, bột lá sa sâm để làm đẹp. HTX kỳ vọng đưa thương hiệu cây giống dược liệu quý hiếm này trở thành sản phẩm OCOP, đặc thù của địa phương.