Tập trung phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong tình hình mới

Trong những năm qua, việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh.

Năng lực nghiên cứu, thử nghiệm CNSH trên một số lĩnh vực đặc thù được nâng lên, mang lại hiệu quả tích cực trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ môi trường, trồng và chế biến dược liệu... Các chương trình bảo tồn phát triển nguồn gen quý hiếm, các giống cây trồng, vật nuôi có lợi thế vùng khô hạn, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị các sản phẩm đặc thù được đầu tư nghiên cứu và bước đầu có kết quả.

Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, trình độ phát triển CNSH của tỉnh còn thấp so với mặt bằng chung cả nước; CNSH hầu như chưa có trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, chưa đáp ứng được yêu cầu thiết yếu của xã hội; nhiều mô hình ứng dụng CNSH vào nông nghiệp chỉ dừng ở mức thử nghiệm, chưa thể nhân ra diện rộng trong sản xuất. Nguyên nhân của những hạn chế trên chủ yếu là do: Nhận thức của một số cán bộ, đảng viên, công chức và một bộ phận quần chúng nhân dân về vai trò của phát triển và ứng dụng CNSH đối với phát triển KT-XH của tỉnh hạn chế; chưa có các cơ chế, chính sách đủ mạnh để thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNSH trong tỉnh; nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao CNSH vào sản xuất và đời sống còn nhiều hạn chế; chưa đủ năng lực nghiên cứu chuyên sâu, phát triển nhiều công nghệ tiên tiến như công nghệ gen, công nghệ phân tử; khó khăn trong thu hút, hình thành doanh nghiệp CNSH.

Mô hình trồng cây đinh lăng làm dược liệu của Công ty Cổ phần Thảo dược LKVN tại xã Quảng Sơn (Ninh Sơn). Ảnh: Hồng Lâm

Để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển và ứng dụng rộng rãi CNSH vào sản xuất và đời sống, nhất là trong các ngành, lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh; xây dựng, phát triển ngành CNSH thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đóng góp tích cực vào GRDP của tỉnh. Ngày 9/1/2024, đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã ký ban hành Chương trình hành động số 239-CTr/TU (Chương trình hành động 239) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới (Nghị quyết 36).

Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra mục tiêu, đến năm 2030 nâng cao, thống nhất nhận thức và hành động về phát triển và ứng dụng CNSH trong tình hình mới; xây dựng và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm phát triển và ứng dụng CNSH. Xây dựng nền CNSH của tỉnh có nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng, cơ sở vật chất, tài chính đủ mạnh đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng CNSH; đạt trình độ tương đương các tỉnh, thành khác trong khu vực và cả nước. Tập trung phát triển, ứng dụng hiệu quả CNSH trong các lĩnh vực: Nông nghiệp; công nghiệp; y tế; bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học; góp phần phát triển KT-XH nhanh, bền vững; phát triển CNSH thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng của tỉnh đóng góp ít nhất 7% vào GRDP của tỉnh; bảo đảm nhu cầu thiết yếu của xã hội. Đẩy mạnh hợp tác trong và ngoài nước về CNSH; thu hút được ít nhất 1 doanh nghiệp CNSH đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tầm nhìn đến năm 2045, Ninh Thuận là tỉnh có nền CNSH phát triển, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về CNSH thuộc nhóm dẫn đầu khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. CNSH đóng góp ít nhất 10% vào GRDP.

Để đạt được mục tiêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để cấp ủy, chính quyền các cấp bám sát chỉ đạo triển khai thực hiện. Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp về tầm quan trọng của phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách đặc thù phù hợp, khả thi theo thẩm quyền của tỉnh về huy động nguồn lực phục vụ phát triển và ứng dụng CNSH, sản xuất các sản phẩm CNSH có giá trị cao, quy mô lớn trong một số lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế ở các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y tế, môi trường, quốc phòng, an ninh hướng đến xuất khẩu sản phẩm CNSH. Tập trung phát triển CNSH thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng nguồn nhân lực CNSH, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng CNSH. Củng cố, phát triển theo chiều sâu các quan hệ hợp tác, liên kết đã có; đồng thời tiếp tục mở rộng hợp tác với các cơ quan, tổ chức trong nước, quốc tế về phát triển và ứng dụng CNSH...

Về nhiệm vụ cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền nội dung Nghị quyết 36 tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; đồng thời căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án cụ thể để triển khai thực hiện Nghị quyết 36 và Chương trình hành động 239.

Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách có liên quan nhằm tạo điều kiện thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết 36 và Chương trình hành động 239 đề ra; đồng thời, chỉ đạo tăng cường công tác theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện.

Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, ưu tiên bố trí nguồn lực tài chính để thực hiện; chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện hiệu quả Chương trình hành động 239. Hằng năm, 3 năm và 5 năm báo cáo kết quả triển khai thực hiện; thường xuyên chỉ đạo, giám sát, kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra.

MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền, quán triệt, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia thực hiện Nghị quyết 36, Chương trình hành động 239; đồng thời, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội đối với việc xây dựng các chủ trương, cơ chế, chính sách về phát triển và ứng dụng CNSH và quá trình thực hiện Nghị quyết 36, Chương trình hành động 239.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức, hướng dẫn việc quán triệt thực hiện Chương trình hành động 239; định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.