Ma Nới là xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Ninh Sơn với 99% hộ dân là đồng bào dân tộc Raglai. Để giúp NLĐ nơi này tìm được việc làm ổn định, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, tháng 4/2024, Trung tâm DVVL tỉnh phối hợp UBND xã Ma Nới tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động với sự tham gia của 2 doanh nghiệp (DN) và 36 lao động (LĐ) địa phương. Tại đây, cán bộ Trung tâm đã tư vấn cho NLĐ xã Ma Nới về thị trường LĐ, nhu cầu tuyển dụng việc làm trong tỉnh, ngoài tỉnh và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; NLĐ được các DN tư vấn về các vị trí, ngành nghề đa dạng, chính sách tiền lương, thời gian làm việc, chế độ phúc lợi... Kết thúc phiên, có 9 LĐ đăng ký tham gia đi làm việc tại thị trường Nhật Bản. Trong đó, có 1 LĐ người Raglai ở thôn Tà Nôi đã trúng tuyển đơn hàng thực tập sinh nông nghiệp.
Đồng chí Cà Mau Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Ma Nới cho biết: Hiện nay, số LĐ thuộc hộ nghèo, cận nghèo, LĐ là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã có nhu cầu tìm việc làm rất lớn. Vì vậy, việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho NLĐ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu LĐ từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, là một trong những giải pháp hữu hiệu đảm bảo thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo tại địa phương. Thời gian tới, UBND xã sẽ tiếp tục phối hợp Trung tâm DVVL tỉnh thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm, kết nối với các công ty, DN có uy tín để tư vấn, giới thiệu việc làm cho LĐ địa phương. Cùng với đó, quyết liệt tuyên truyền và triển khai công tác xuất khẩu LĐ đến từng người dân trên địa bàn.
Thanh niên dân tộc Raglai tìm hiểu cơ hội xuất khẩu lao động Nhật Bản tại Ngày hội việc làm.
Các phiên giao dịch việc làm lưu động đến các xã khó khăn, vùng nông thôn, miền núi là một trong những hoạt động được Trung tâm DVVL tỉnh tăng cường triển khai nhằm thực hiện có hiệu quả Tiểu dự án 3: Hỗ trợ việc làm bền vững của Dự án 4 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024. Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm còn tổ chức các chương trình Ngày hội việc làm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ, đặc biệt là LĐ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có cơ hội được tiếp xúc trực tiếp với các DN và các cơ sở đào tạo nghề để được lựa chọn công việc và nghề nghiệp phù hợp với bản thân. Tham gia Ngày hội việc làm tháng 9/2024, chị Nguyễn Thị Nga ở phường Đài Sơn (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) chia sẻ: Gia đình tôi thuộc hộ cận nghèo, bản thân tôi chưa có việc làm ổn định, chủ yếu đi làm thuê, giúp việc nhà. Chỉ trong một buổi sáng tham gia Ngày hội việc làm, tôi đã tìm được công việc phù hợp, được hướng dẫn nộp hồ sơ, tham gia phỏng vấn vị trí thợ nghề của siêu thị Go! Ninh Thuận. Với mức lương từ 6-10 triệu đồng/tháng, công việc này sẽ giúp gia đình tôi có thêm thu nhập và cải thiện cuộc sống. Từ trường hợp của tôi, có thể thấy những chương trình Ngày hội việc làm như thế này là rất cần thiết và có lợi cho NLĐ.
Theo Trung tâm DVVL tỉnh, 9 tháng đầu năm 2024, Trung tâm đã thực hiện 101 phiên giao dịch việc làm, gồm 8 phiên cố định và 93 phiên lưu động, thu hút 123 lượt DN và trên 6.200 lượt LĐ tham gia. Trung tâm còn tổ chức tư vấn cho 813 người hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, 300 lượt phạm nhân chấp hành xong án phạt tù. Phối hợp các địa phương trong tỉnh tổ chức tư vấn giải quyết việc làm và đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho gần 3.400 lượt người, qua đó tạo nguồn cho 85 người tham gia các chương trình thực tập sinh, xuất khẩu LĐ. Thực hiện công tác tư vấn, giới thiệu, kết nối việc làm hằng ngày tại sàn giao dịch việc làm cố định và qua Fangage, Zalo, điện thoại... cho gần 600 lượt người; trên 1.800 LĐ tham gia các ngày hội việc làm do Trung tâm phối hợp tổ chức. Kết quả, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã kết nối 509 LĐ làm việc cho hơn 40 đơn vị, DN, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh cho biết: Thời gian tới, Trung tâm vẫn duy trì tổ chức phiên giao dịch việc làm định kỳ vào ngày 20 hằng tháng, tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động đến các xã khó khăn, tạo cơ hội cho NLĐ nghèo tìm kiếm việc làm phù hợp. Bên cạnh đó, hiện tại, NLĐ có thể tìm hiểu thông tin thị trường LĐ tại Fangape “Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Thuận”, hoặc gọi điện thoại đến số 0259.3823190 để được tư vấn trực tiếp từ cán bộ Trung tâm. Đồng thời, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là báo, đài địa phương để NLĐ nhận thức một cách đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa của phiên giao dịch việc làm, từ đó chủ động đến tham gia để tìm kiếm việc làm phù hợp. Trung tâm cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các DN trên địa bàn và Trung tâm DVVL các tỉnh: Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bình Thuận, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh cung ứng nguồn LĐ cho các đơn vị có nhu cầu tuyển dụng và giới thiệu việc làm phù hợp với trình độ, nguyện vọng, kỹ năng nghề nghiệp của NLĐ. Song song đó, Trung tâm kết hợp các công ty, đơn vị có chức năng đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để tư vấn, hỗ trợ cho NLĐ, nhất là đối tượng LĐ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tới các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc... giúp NLĐ có thu nhập cao, ổn định; góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Minh Thương