Với mục tiêu tạo vùng nguyên liệu muối chất lượng cao phục vụ chế biến, tăng thu nhập cho diêm dân, trong năm 2023 TTKN tỉnh đã phối hợp với UBND xã Tri Hải (Ninh Hải) triển khai mô hình sản xuất muối sạch theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm với quy mô 1ha. Hộ tham gia mô hình được Trung tâm hỗ trợ 50% kinh phí mua các loại vật tư trang thiết bị phục vụ sản xuất. Sau một thời gian triển khai, mô hình đã đạt được một số kết quả khả quan. Với phương pháp sản xuất muối sạch trên nền ô kết tinh trải bạt nhựa HDPE nên năng suất muối đạt cao, bình quân 384 tấn/ha/năm, với giá bán 1,3 triệu đồng/tấn, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận bình quân 355 triệu đồng/ha/năm, hiệu quả kinh tế tăng 72% so với các hộ ngoài mô hình.
Đầu tháng 12/2023, Trung tâm đã tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá hiệu quả mô hình sản xuất muối sạch trải bạt HDPE ô kết tinh phù hợp xu hướng ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất hiện nay, góp phần chuyển đổi từ sản xuất muối truyền thống sang sản xuất muối theo công nghệ muối sạch đạt hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, hình thành nên các vùng sản xuất muối sạch đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp thu mua; nâng cao thu nhập cho người lao động, tăng hiệu quả sử dụng đất sản xuất; giải quyết việc làm và góp phần cải thiện đời sống cho diêm dân tại địa phương. Từ những hiệu quả bước đầu, mô hình có khả năng nhân rộng ở các vùng sản xuất muối trên địa bàn tỉnh.
Mô hình trồng bắp lại ở xã Phước Vinh (Ninh Phước). Ảnh: Anh Tuấn
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, TTKN tỉnh đã thực hiện mô hình “Sản xuất và bảo quản thức ăn thô xanh cho gia súc ăn cỏ thích ứng với biến đổi khí hậu” tại xã Xuân Hải (Ninh Hải) với quy mô 9ha cỏ VA06. Sau 10 tháng thực hiện (từ tháng 3/2023 đến 12/2023), mô hình đạt được nhiều kết quả khả quan, năng suất cỏ đạt bình quân 264 tấn/ha/năm, cao hơn chỉ tiêu kỹ thuật 14 tấn. Đã sơ chế, chế biến 60 tấn thức ăn, bảo quản và dự trữ đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc vào mùa khô hạn. Sử dụng phương pháp cỏ ủ chua so với cỏ không ủ chua, hàm lượng xơ giảm khoảng 20%, khả năng tiêu hóa của gia súc tăng khoảng 30%. Từ những chỉ tiêu kỹ thuật được cải thiện trên, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế tăng 15% so với sản xuất ngoài mô hình.
Đáng kể là, mô hình góp phần chuyển đổi cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong đó nâng tỷ trọng ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi bò, dê, cừu, có ý nghĩa rất quan trọng đối với vùng khô hạn, từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân; hạn chế được ô nhiễm môi trường do tận dụng được nguồn phụ phẩm nông nghiệp; tạo dựng, hình thành làng nghề chăn nuôi; bước đầu xây dựng được mối liên kết giữa người chăn nuôi và doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm. Mô hình đạt kết quả cao đã lan tỏa đến bà con trên toàn tỉnh đến tham quan học tập và nhân rộng mô hình thêm 2,8ha. Ngoài những mô hình kể trên, còn có các mô hình trồng bắp lai ở xã Phước Vinh (Ninh Phước), mô hình sản xuất ngô sinh khối làm thức ăn gia súc ở xã Mỹ Sơn, Nhơn Sơn (Ninh Sơn), mô hình trồng bí hạt đậu công nghệ cao ở xã Phước Tân (Bác Ái)... cũng đạt được những kết quả nhất định.
Bên cạnh triển khai các mô hình mới, năm 2023 TTKN tỉnh còn tập trung cho công tác nhân rộng các mô hình có hiệu quả. Cụ thể, mô hình cây ăn quả (táo, mãng cầu, bưởi da xanh) triển khai năm 2019 với diện tích 63,6ha, trong năm nhân rộng được 70,5ha. Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng triển khai năm 2021, đến nay đã nhân rộng được 15ha. Mô hình “Cải tạo để nâng cao năng suất đàn bò thịt địa phương”, đến nay đã nhân rộng được 10 mô hình. Ngoài ra, Trung tâm còn chủ trì triển khai dịch vụ cung cấp tinh bò theo hướng xã hội hóa cho dẫn tinh viên trên địa bàn tỉnh, đến nay đã cung cấp được 1.167 liều tinh giống bò Brahman, BBB, Red Angus và Charolais; phối hợp với Dịch vụ thú y Vinh, xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) thực hiện công tác phối giống nhân tạo bò trên địa bàn tỉnh với hơn 1.000 liều tinh, góp phần nâng cao tỷ lệ bò lai đạt 51%.
Ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc TTKN tỉnh, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hướng đến xuất khẩu một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, trong thời gian tới, Trung tâm tổ chức khảo sát thực tế, đánh giá kết quả một số mô hình để nhân rộng. Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất thông qua việc tiếp cận với các hoạt động khuyến nông, thực hiện các chương trình, dự án. Liên kết các cơ quan khoa học, doanh nghiệp để tiếp nhận, chuyển giao công nghệ vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông dân. Trung tâm phấn đấu trong năm 2024 xây dựng 2 mô hình sản xuất mới, nhân rộng 5 mô hình sản xuất có hiệu quả.
Anh Tùng