Củng cố và phát triển ngành công nghiệp chế biến trong thời gian tới theo hướng tăng chế biến sâu, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đa dạng hóa sản phẩm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng xanh, bền vững đang là yêu cầu đặt ra ở vùng Tây Nam Bộ hiện nay…
Tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa
Thông tin từ Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau, nuôi tôm của tỉnh hiện chiếm khoảng 45% diện tích, 29% sản lượng tôm nuôi ở khu vực Ðồng bằng sông Cửu Long và chiếm 40% diện tích, 22% sản lượng tôm nuôi cả nước. Ðây là ngành kinh tế mũi nhọn tại Cà Mau khi chiếm đến 89% trong tổng giá trị sản xuất ngành thủy sản và chiếm khoảng 49% so với tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp của tỉnh.
Chế biến tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Minh Phú (Cà Mau). (Ảnh: Hữu Tùng)
Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Minh Phú, để có chỗ đứng trên thị trường toàn cầu trong suốt thời gian dài, nhiều năm liên tục, tập đoàn không ngừng nỗ lực để đạt được các chứng nhận xanh, như: EU Organic; Canada Organic; selva shrimp, mangroves shrimp và seafood watch green…
Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau Nguyễn Chí Thiện cho hay, ngành chế biến tôm của tỉnh không ngừng đổi mới, đầu tư nhiều cho khoa học-công nghệ, máy móc, thiết bị. Những năm gần đây, trình độ quản lý của doanh nghiệp chế biến tại địa phương phát triển vượt bậc, tiếp cận nhanh với thị trường, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về rào cản kỹ thuật của nhiều nước nhập khẩu. Nhiều doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến thủy sản đạt các tiêu chuẩn quốc tế, như SA-8000, ISO 26000, ISO-9001, BRC, B.A.P, BSCR... Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu tôm của Cà Mau hiện tăng khoảng 14 lần so với thời điểm mới tái lập tỉnh vào năm 1997.
Tỉnh Ðồng Tháp hiện có 47 doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu, bình quân hằng năm, kim ngạch xuất khẩu nông sản chế biến đạt hơn 74% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh (không tính tạm nhập, tái xuất). Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh vẫn là thủy sản chế biến và gạo. Gần đây, tỉnh có thêm nhiều mặt hàng mới có giá trị gia tăng cao như: Collagen, dầu cá… góp phần đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu.
Ðể đáp ứng tốt nhu cầu nội địa và xuất khẩu, Công ty cổ phần công nghiệp thực phẩm Thabico Tiền Giang tập trung chế biến các loại nông sản đặc trưng của địa phương có giá trị cao. Nhà máy của doanh nghiệp này sử dụng toàn bộ chương trình chế biến IQF do Tập đoàn Octofrost của Thụy Ðiển cung cấp với các sản phẩm chính là thanh long, xoài, chuối, mít, dưa hấu, bắp… Sau khi cấp đông, các sản phẩm vẫn giữ được hình dáng, hương vị tự nhiên, bảo đảm an toàn thực phẩm, được thị trường trong nước và nước ngoài ưa chuộng.
Đóng gói sản phẩm mít sấy giòn không dầu tại Công ty cổ phần Thực phẩm HG, huyện Thủ Thừa, Long An. (ảnh: Thanh Phong)
Tại tỉnh Long An, Công ty cổ phần Thực phẩm HG ở huyện Thủ Thừa đã mạnh dạn đầu tư kho bảo quản nông sản sau thu hoạch và công nghệ chế biến sản phẩm trái cây sấy giòn không dầu. Giám đốc công ty Dương Thị Trúc Giang cho biết, bình quân mỗi tháng, doanh nghiệp cung ứng sản phẩm trái cây sấy giòn không dầu ra thị trường trong nước và xuất khẩu khoảng 10 tấn, nguyên liệu để sản xuất khoảng 250 tấn trái cây các loại. Thị trường chủ yếu của doanh nghiệp là Mỹ, một phần châu Âu và đang mở rộng qua Trung Ðông. Tất cả các sản phẩm trái cây sấy giòn không dầu xuất khẩu có giá trị tăng khoảng 200% so với trái cây tươi.
Còn tại Cần Thơ, Công ty cổ phần Chế biến Thực phẩm Xuất khẩu Miền Tây (Westfood) đã đầu tư vùng nguyên liệu sản xuất với 140 ha khóm (dứa) MD2 tại Hậu Giang, trong đó, có 30% đạt chứng chỉ GlobalGAP. Theo kế hoạch, đến năm 2030, công ty xây dựng vùng nguyên liệu quy mô 1.000 ha, 50% đạt chuẩn GlobalGAP. Doanh nghiệp này cũng có kế hoạch đầu tư nhà máy chế biến trái cây ở Hậu Giang theo tiêu chuẩn châu Âu với công suất 30.000 tấn/năm để đa dạng các sản phẩm chế biến từ khóm.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, doanh nghiệp ngành chế biến ở Tây Nam Bộ vẫn còn gặp nhiều thách thức liên quan cơ cấu sản xuất, giá vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng cao. Cùng với đó, việc phát triển vùng nguyên liệu cho sản xuất rau, quả chế biến còn manh mún, chưa được hỗ trợ nhiều từ các ngành, các cấp, nhất là quy hoạch vùng nguyên liệu...
Công nhân Công ty TNHH Một thành viên Nam Huy Đồng Tháp lựa hạt sen sấy để đóng gói. (Ảnh: Hữu Nghĩa)
Cùng vượt qua khó khăn
Năm 2023, kinh ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố Cần Thơ đạt hơn 2 tỷ USD với khoảng 80% từ xuất khẩu gạo, thủy sản và trái cây. Từ đầu năm 2024 đến nay, Cần Thơ xuất khẩu hơn 660.000 tấn gạo, đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 378 triệu USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ và đạt hơn 95% kế hoạch cả năm.
Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, để liên kết với nông dân, hợp tác xã trong xây dựng chuỗi ngành hàng lúa gạo, doanh nghiệp cần nguồn vốn rất lớn nhưng việc tiếp cận vẫn còn nhiều khó khăn. Doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, ngân hàng có chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo nói riêng, các mặt hàng nông sản nói chung, cho vay cả năm chứ không nên cho vay theo mùa vụ để doanh nghiệp chủ động trong liên kết sản xuất, kinh doanh.
Giám đốc Sở Công thương thành phố Cần Thơ Hà Vũ Sơn cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp, Sở Công thương thành phố tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương trong và ngoài nước; phối hợp ngành nông nghiệp quy hoạch vùng chuyên canh lúa gạo, cây ăn trái chất lượng cao, đặc sản để kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực tiềm năng này. Cần Thơ đang xúc tiến thành lập trung tâm liên kết chế biến và tiêu thụ nông sản vùng Ðồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ theo cơ chế đặc thù. Ðây là trung tâm hoạt động khép kín từ trồng, chế biến, tiêu thụ nông sản với quy trình tích hợp thuế, hải quan, kho lạnh… tại trung tâm, giúp doanh nghiệp tiêu thụ nông sản thuận lợi, dễ dàng.
Công đoạn sơ chế trong dây chuyền chế biến sản phẩm thanh long tại Công ty cổ phần công nghiệp thực phẩm Thabico Tiền Giang. (ảnh: NGUYỄN SỰ).
Tại Ðồng Tháp, việc liên kết tiêu thụ giữa nông dân với doanh nghiệp chế biến, giữa các doanh nghiệp chế biến với nhau đã góp phần nâng cao giá trị nông sản, hướng tới hài hòa lợi ích giữa các bên, hạn chế được những rủi ro về giá cả và thị trường.
Tuy vậy, theo nhìn nhận của Giám đốc Sở Công thương tỉnh Ðồng Tháp Võ Phương Thủy, ngoài ngành hàng cá tra, việc liên kết ở các ngành hàng khác còn hạn chế, đôi lúc chưa bền vững, tỷ lệ tham gia liên kết chưa cao. Tỉnh chưa có nhiều doanh nghiệp lớn dẫn dắt ngành hàng cũng như đầu tư vào lĩnh vực logistics để phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Sự khác biệt về quy mô giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành hàng có thể gây khó khăn trong việc tìm kiếm điểm chung và xây dựng các mối quan hệ hợp tác liên kết; mỗi doanh nghiệp có những thế mạnh và hạn chế khác nhau, việc tìm kiếm các đối tác có thể bổ sung cho nhau là một thách thức lớn.
Theo Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi, phấn đấu mỗi năm, công nghiệp chế biến nông sản của Tiền Giang tăng trưởng 12-15%; nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh khẳng định được thương hiệu, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu. Theo đó, tập trung xây dựng ngành công nghiệp chế biến nông sản theo hướng bền vững, sản xuất nguyên liệu gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Tỉnh chú trọng thu hút đầu tư, đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực của các cơ sở chế biến hiện có; áp dụng công nghệ hiện đại để tăng tỷ lệ chế biến tinh, chế biến sâu. Cùng với đó, tỉnh tập trung phát triển và nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của các thành phần trong chuỗi giá trị nông sản, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, giảm giá thành sản phẩm nguyên liệu đầu vào phục vụ chế biến và tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Ðến nay, các chuỗi liên kết với nông dân nuôi tôm ở Cà Mau đã triển khai gần 25.000 ha, trong đó có hơn 19.000 ha (khoảng 4.000 hộ) được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế, sản lượng hằng năm đạt khoảng 10.000 tấn. Nhờ các chuỗi liên kết này, các doanh nghiệp chế biến tại Cà Mau có nguồn nguyên liệu tốt để sản xuất những mặt hàng đặc thù, tạo lợi thế cạnh tranh trên thương trường quốc tế.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết để tạo vùng nguyên liệu lớn, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh trong tiêu thụ sản phẩm tôm. Cùng với đó, phát triển sản xuất gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; xây dựng thương hiệu sản phẩm tôm Cà Mau vừa đa dạng nhưng vừa đặc thù trên thị trường trong nước và nước ngoài…
Theo nhandan.vn