Ninh Hải: Chuyển biến trong thực hiện Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 12/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 06), trên địa bàn huyện Ninh Hải xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay của tập thể và các cá nhân, tạo sức lan tỏa sâu rộng.

Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, quản lý điều hành của chính quyền địa phương.

Bám sát mục tiêu của Nghị quyết số 06 và tình hình thực tế ở địa phương, huyện Ninh Hải xác định trên địa bàn có dự án đầu tư hạ tầng vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng CNC Nhơn Hải quy mô 130 ha là cơ sở thu hút đầu tư để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại. Nhờ triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng CNC của trung ương, của tỉnh, kết cấu hạ tầng vùng sản xuất giống thủy sản CNC Nhơn Hải được đầu tư khá đồng bộ; các cơ sở, doanh nghiệp (DN) sản xuất giống đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vi sinh, công nghệ di truyền con giống, công nghệ xử lý nước, công nghệ thông tin, công nghệ số... để nâng cao chất lượng tôm giống, đưa tôm giống Ninh Hải trở thành ngành sản xuất hàng hóa có hàm lượng khoa học cao. Đến nay, toàn huyện có 299 công ty, cơ sở đang sản xuất giống thủy sản, sản lượng tôm giống đạt 22 tỷ con/năm.

Nhân viên kỹ thuật Công ty TNHH Sản xuất giống thủy sản Rạng Đông ở xã Nhơn Hải (Ninh Hải) kiểm tra chất lượng con giống. Ảnh: V.Nỷ

Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đảm bảo ổn định diện tích nuôi 500ha, tập trung các đối tượng nuôi chủ lực như: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ốc hương, cua, ghẹ, một số loài cá,... ở vùng có lợi thế. Tăng cường nuôi một số đối tượng trong lồng bè trên biển giá trị kinh tế như: Tôm hùm, cá bớp... ứng dụng quy trình nuôi VietGAP gắn với quản lý nuôi thông qua quản lý giống tốt, quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm. Về khai thác hải sản, khuyến khích bà con ngư dân đầu tư đóng mới và cải hoán tàu thuyền, chuyển đổi cơ cấu thuyền nghề tập trung khai thác các đối tượng có giá trị kinh tế. Ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào đánh bắt nhằm khai thác hải sản có giá trị xuất khẩu cao; thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ môi trường vùng ven biển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Về thực hiện mục tiêu phân vùng, áp dụng các quy trình, công nghệ sản xuất cũng đạt được những kết quả khả quan. Các mô hình sản xuất hiệu quả tiếp tục được duy trì, nhân rộng, giúp nông dân tiếp cận phương pháp canh tác cây trồng cạn thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp 4.0, cơ giới hóa, tự động hóa, các quy trình canh tác tiên tiến như: ICM, IPM, VietGAP để tạo ra những sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn, chất lượng. Ðến nay, trên địa bàn huyên đã hình thành các cánh đồng lớn sản xuất lúa với tổng diện tích 468ha; trong đó, xã Xuân Hải 310ha, Tân Hải 158ha; 1 cánh đồng lớn sản xuất nho diện tích gần 30ha ở Vĩnh Hải, 1 cánh đồng lớn sản xuất hành tím diện tích 50ha ở xã Thanh Hải

Lĩnh vực chăn nuôi phát triển theo hướng an toàn hiệu quả có giá trị kinh tế cao, trong đó ưu tiên công tác lai giống gia súc: Bò, dê, cừu. Ứng dụng công nghệ chuồng kín, công nghệ sinh học, công nghệ 4.0 gắn với xử lý môi trường để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng trang trại công nghiệp tập trung. Áp dụng quy trình chăn nuôi VietGAP, hữu cơ trong chăn nuôi gia súc, gia cầm để tạo ra sản phẩm chất lượng, có giá trị cao và an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến nay, các hộ chăn nuôi gà có quy mô từ 500 con trở lên đều ứng dụng chế phẩm sinh học, sử dụng đệm lót sinh học trong quá trình chăn nuôi để khử mùi hôi, tiết kiệm 10% nguồn thức ăn trong đệm lót bổ sung cho gia cầm, chống ô nhiễm môi trường và tăng thêm thu nhập đáng kể do bán chất độn chuồng sau thu hoạch mỗi lứa nuôi.

Du khách tham quan vườn nho Thái An (Ninh Hải). Ảnh: V. Miên

Sau một thời gian ngắn thực hiện Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy, trên địa bàn huyện Ninh Hải hình thành một số mô hình hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng CNC. Toàn huyện có có 460ha cây trồng ứng dụng mô hình tưới tiết kiệm nước; trong đó, cây nho 350ha, cỏ chăn nuôi 40ha, măng tây xanh 20ha, rau màu các loại 50ha. Hiệu quả mang lại của mô hình là giảm từ 20-60% lượng nước tưới, giảm 30% công lao động, tiết kiệm 30% chi phí đầu tư, tăng thu nhập cho người sản xuất từ 20-30%. Toàn huyện áp dụng mô hình trồng nho, măng tây xanh, hành, tỏi theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 202ha. Cụ thể, măng tây xanh 15ha/75 hộ; hành 60ha/319 hộ; tỏi 7ha/39 hộ; nho 120ha/293 hộ. Bước đầu hình thành mối liên kết "4 nhà" trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hợp tác xã Tổng hợp nông nghiệp Thái An đầu tư trồng nho trong nhà lưới ứng dụng CNC quy mô 0,5ha và phát triển thành sản phẩm hàng hóa; đồng thời, liên kết với nông dân sản xuất 100ha nho theo chuỗi giá trị phục vụ du lịch. Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại nông nghiệp An Xuân đã đầu tư đổi mới đồng bộ thiết bị, công nghệ đưa vào sản xuất để tạo sản phẩm chất lượng cao và đã thành công trong việc chế biến nho, táo sấy khô, chế biến tỏi đen, gạo sạch.

Công tác ứng dụng, chuyển giao giống cây trồng, giống vật nuôi và giống thủy sản cho năng suất, chất lượng cao được chú trọng triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả tích cực. Đã chuyển giao thành công quy trình sản xuất thâm canh giống nho ăn tươi chất lượng cao NH01-152; sản xuất, cung ứng được các loại giống lúa mới như Q5, An Sinh 1399, Đài Thơm 8... Huyện phối hợp cùng Trung tâm Giống hải sản cấp 1 tập huấn kỹ thuật sản xuất và hỗ trợ cho người dân nuôi trồng thủy sản các đối tượng giống mới như: Hàu Thái Bình Dương, cá mú đen chấm nâu, cá mú Trân Châu, giống cá chẽm, giống cá bớp, cá chim vây vàng, cá bè vẫu... Hoạt động chuyển giao giống mới cùng với áp dụng các biện pháp kỹ thuật sản xuất tiên tiến đã góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Có thể nói, Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy đi vào cuộc sống tạo đột phá về phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện Ninh Hải. Cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng phát triển mạnh các loại cây trồng, vật nuôi, các ngành nghề có giá trị kinh tế cao và thị trường tiêu thụ tương đối ổn định. Khoa học - kỹ thuật tiên tiến từng bước được áp dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp chú trọng vào chất lượng, sản phẩm được nhiều thị trường chấp nhận. Nhiều mô hình triển khai thí điểm đã khuyến khích nông dân học hỏi kinh nghiệm sản xuất. Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp có những bước phát triển, khai thác được tiềm năng, lợi thế của địa phương.