Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 149/NQ-CP ngày 21/9/2023 của Chính phủ và Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) trong tình hình mới. Ngày 28/11/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 4986/KH-UBND về triển khai các nội dung nêu trên.

Để quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ, các giải pháp trọng tâm mà Nghị quyết số 149/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư, UBND tỉnh yêu cầu các cấp chính quyền trong tỉnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, toàn diện để tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà kế hoạch đề ra. Trong đó, trọng tâm là tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực bảo đảm trật tự ATGT. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về giao thông. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo đảm trật tự ATGT. Tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giao thông. Nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phối hợp của các lực lượng trong bảo đảm trật tự ATGT.

Công an huyện Ninh Sơn tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ cho học sinh
Trường Tiểu học Tân Sơn A. Ảnh: Anh Thi

Về nhiệm vụ cụ thể, UBND tỉnh giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT, giảm tai nạn giao thông (TNGT) và hạn chế cơ bản ùn tắc giao thông. Đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong đó nhấn mạnh yêu cầu tham gia bảo đảm trật tự ATGT, kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, vận động với giám sát, tuần tra và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật. Nghiên cứu, chủ động tuyên truyền theo nhóm đối tượng, nội dung, phương pháp tuyên truyền phù hợp từng năm. Tích cực vận động người dân tại các đô thị sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng, góp phần giảm ùn tắc giao thông, TNGT.

Cùng với đó, quản lý chặt chẽ việc cấp biển số phương tiện giao thông. Tiếp tục triển khai các biện pháp mạnh, tổ chức các tổ công tác phối hợp lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, cảnh sát hình sự và lực lượng cảnh sát khác để kiểm tra, kiểm soát, xử lý hành vi tụ tập, gây mất trật tự ATGT, phòng, chống đua xe trái phép, phóng nhanh, vượt ẩu và trấn áp tội phạm trên các tuyến giao thông, nhất là các quốc lộ trọng điểm và các đô thị. Tăng cường kiểm tra các cảng, bến thủy hoạt động không phép, sai phép; hành vi lấn chiếm hành lang bảo vệ luồng, hành lang an toàn đường thủy nội địa, đường bộ; hoạt động khai thác cát trái phép, khai thác và nuôi trồng thủy sản, hải sản gây cản trở giao thông; xử lý nghiêm các vi phạm chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, các vi phạm về đăng ký, đăng kiểm, trang bị phao cứu sinh, thiết bị an toàn kỹ thuật... Cung cấp thông tin với các cơ quan, đơn vị, địa phương về tình hình vi phạm trật tự ATGT, TNGT liên quan đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên để có hình thức tuyên truyền, giáo dục, xử lý vi phạm theo quy định. Triển khai thực hiện cơ sở dữ liệu trung tâm thông tin chỉ huy, điều hành của lực lượng cảnh sát giao thông theo chỉ đạo của Bộ Công an nhằm phục vụ hiệu quả công tác chỉ huy, điều hành, giám sát và xử lý các hành vi vi phạm về trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh.

Giao Sở Giao thông vận tải chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm trật tự ATGT theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ phạm vi quản lý nhà nước giữa các bộ, ngành với chính quyền địa phương, giữa trách nhiệm tập thể và trách nhiệm cá nhân. Đầu tư nâng cấp bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và điều kiện ATGT đối với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là mạng lưới đường quốc lộ, tỉnh lộ, các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Tăng cường quản lý hoạt động vận tải trên địa bàn; khuyến khích người dân chuyển đổi sang sử dụng các phương tiện giao thông xanh gắn với lộ trình hạn chế dần phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn. Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, bảo đảm người điều khiển phương tiện phải hiểu biết đầy đủ pháp luật, có đủ kỹ năng tham gia giao thông. Thường xuyên phối hợp với UBND các huyện, thành phố, Công an tỉnh rà soát, phát hiện, kiến nghị, khắc phục kịp thời các “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” TNGT và các bất hợp lý trong tổ chức giao thông…

Các đơn vị: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Y tế, Sở Nội vụ phối hợp các đơn vị, địa phương liên quan thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao. Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bảo đảm trật tự ATGT cho các cơ sở giáo dục, đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các đơn vị liên quan trong công tác giáo dục cho học sinh, sinh viên, học viên ý thức chấp hành pháp luật và hành vi văn hóa khi tham gia giao thông. Ban ATGT tỉnh tham mưu UBND tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT; tổ chức vận động xây dựng văn hóa giao thông trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên phạm vi toàn tỉnh.

Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Thuận, Báo Ninh Thuận đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa giao thông, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT, biểu dương gương người tốt, việc tốt đi đôi với phê phán các hành vi cố ý vi phạm trật tự ATGT, ứng xử thiếu văn hóa khi tham gia giao thông nhằm xây dựng môi trường giao thông an toàn và thân thiện; phối hợp phổ biến, hướng dẫn các kỹ năng tham gia giao thông an toàn, phòng tránh TNGT cho người tham gia giao thông. Đa dạng hóa nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng; đổi mới chuyên mục tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT và văn hóa giao thông.

Đối với UBND các huyện, thành phố, xây dựng kế hoạch để cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với đặc điểm tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ tại địa phương; phân công rõ trách nhiệm của phòng, ban, cơ quan, đơn vị chức năng và Chủ tịch UBND cấp xã trong công tác bảo đảm trật tự ATGT; có biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc nếu có sai phạm hoặc để tình hình trật tự ATGT diễn biến phức tạp trên địa bàn và lĩnh vực quản lý.

UBND tỉnh đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tích cực vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân trên địa bàn tỉnh gương mẫu thực hiện, tích cực vận động gia đình và người thân chấp hành nghiêm túc các quy định về bảo đảm trật tự ATGT, đấu tranh phê phán các hành vi vi phạm trật tự ATGT. Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng, nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị để kiềm chế và giảm thiểu TNGT.