Sau hơn 1 năm triển khai Nghị quyết số 48/NQ-HĐND ngày 30/8/2022 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, địa phương, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; bố trí, sắp xếp ổn định dân cư” đã đạt được những kết quả nhất định, giúp cho bà con sớm có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.
Theo kết quả giám sát chuyên đề của Ban Dân tộc HĐND tỉnh về “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; bố trí, sắp xếp ổn định dân cư” mới đây, tổng vốn giao kế hoạch thực hiện chương trình trong 2 năm (2022 và 2023) là 86,942 tỷ đồng, trong đó dự án 1 - Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt trên địa bàn từ năm 2022-2023, tổng vốn giao 58,968 tỷ đồng; Dự án 2 - Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết trên địa bàn từ năm 2022-2023, tổng vốn giao 15,969 tỷ đồng. Đến ngày 20/9/2023, kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển đạt 48,89% kế hoạch vốn giao. Cụ thể, đối với Dự án 1 tại thời điểm giám sát, huyện Ninh Sơn đã hỗ trợ xây dựng hoàn thành nhà ở cho 87 hộ và đang tiếp tục xây mới nhà ở cho 89 hộ nghèo; tại huyện Bác Ái đang hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ vốn xây dựng làm nhà ở cho 128 hộ thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách theo quy định.
Chị Katơr Thị Nông, thôn Ú, xã Ma Nới (Ninh Sơn)
vui mừng khi có ngôi nhà mới. Ảnh: Tiến Mạnh
Về hỗ trợ đất sản xuất, do các địa phương không còn quỹ đất để giao đất cho các hộ sản xuất nông nghiệp, các địa phương đã chuyển sang hình thức chuyển đổi nghề; kết quả hỗ trợ chuyển đổi nghề như: Hỗ trợ giống bò, dê, cừu, heo đen cho 446 hộ; hỗ trợ mua sắm máy móc nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp cho 25 hộ và hỗ trợ học nghề cho 315 học viên/9 lớp; về hỗ trợ nước sinh hoạt, các địa phương đã triển khai thực hiện hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 212 hộ; xây dựng 7 công trình nước sinh hoạt tập trung (Ninh Phước 1 công trình; Bác Ái 6 công trình). Riêng về hỗ trợ đất ở gần như các địa phương chưa triển khai thực hiện việc giao đất ở cho các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách theo quy định, với lý do: Khó khăn trong việc tạo quỹ đất ở (do định mức hỗ trợ theo quy định của chương trình còn thấp, ngân sách địa phương còn khó khăn, đối tượng thụ hưởng chính sách chủ yếu là hộ nghèo, không có khả năng về tài chính để đầu tư thêm).
Đối với Dự án 2, các địa phương đang triển khai thực hiện 4 dự án ổn định dân cư tập trung và dự án xen ghép, như: Dự án đầu tư hạ tầng cấp đất ở và xây dựng nhà ở cho 100 hộ thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) với diện tích khu quy hoạch 7,9ha; Dự án tạo mặt bằng hạ tầng kỹ thuật để cấp đất ở cho 50 hộ xã Phước Hà (Thuận Nam) 3,5ha; Dự án quy hoạch khu dãn dân thôn Mỹ Hiệp, xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn), với diện tích thu hồi 0,59ha; Dự án cơ sở hạ tầng Khu dân cư thôn Đá Hang, xã Vĩnh Hải (Thuận Bắc)...
Qua giám sát, cho thấy công tác giao kế hoạch vốn, phân bổ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN từ năm 2022-2023 theo đúng nguyên tắc, tiêu chí, định mức, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch. Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách nhằm giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; bố trí, sắp xếp ổn định dân cư cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Đây là những kết quả quan trọng để ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tăng cường khối đoàn kết các dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng DTTS&MN với Đảng, Nhà nước.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả các thành phần dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, Ban Dân tộc HĐND tỉnh kiến nghị: Đối với bộ, ngành trung ương xem xét tăng định mức hỗ trợ trực tiếp đối với chính hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và hỗ trợ địa bàn trong việc thực hiện ổn định dân cư theo hình thức xen ghép, đồng thời mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng là hộ cận nghèo vì khoảng cách thu nhập và mức sống giữa hộ nghèo và cận nghèo chênh lệch nhau không nhiều. Đối với UBND tỉnh, cần tiếp tục đề xuất trung ương xem xét hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng nhà. Chỉ đạo UBND các huyện đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và vốn hỗ trợ quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư nơi cần thiết, trên cơ sở đã có văn bản tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại Nghị định số 38/2023/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Chỉ đạo UBND các huyện tăng cường sự chủ động trong việc triển khai thực hiện chương trình trên địa bàn; tập trung rà soát, ban hành các văn bản liên quan đến điều hành, thực hiện và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình ở địa phương. Tập trung hoàn thành công tác quy hoạch bao gồm quy hoạch vùng huyện và quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới các xã nhất là quy hoạch bố trí, sắp xếp ổn định dân cư để đáp ứng yêu cầu tiêu chí giai đoạn mới, làm cơ sở để triển khai thực hiện các nội dung khác của chương trình.
Bình An