Xã Phước Thành có tổng diện tích đất nông nghiệp gần 11.000ha; trong đó, diện tích lúa nước gần 100ha, phần còn lại là đất đồi không chủ động nước. Do đó, chuyển đổi cây trồng là hướng đi giúp người dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Thời gian qua, địa phương đã vận động bà con đưa vào sản xuất một số cây trồng mới như: Bưởi da xanh, bơ, đu đủ, mãng cầu, mít, xoài Úc, xoài Đài Loan, dừa..., ứng dụng công nghệ tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt nhằm đảm bảo hiệu quả trong sản xuất. Qua hơn 5 năm thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay, toàn xã đã phát triển gần 40ha cây ăn quả, giúp nhiều hộ dân có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu trên mảnh đất của quê hương.
Chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, giúp kinh tế gia đình ông Mai Xuân Vũ ở thôn Ma Rớ,
xã Phước Thành ngày càng phát triển.
Đến thăm vườn cây ăn quả gần 1,5ha của gia đình ông Mai Xuân Vũ ở thôn Ma Rớ mới thấy được sự cần cù trong lao động của người nông dân. Để có nguồn nước ổn định tưới cho cây trồng, ông Vũ đã đầu tư 50 triệu đồng để đưa nước từ khe núi tự chảy về phục vụ sản xuất, nhờ đó các loại cây trồng của gia đình ông phát triển rất tốt. Ông Vũ, cho biết: Vùng đất này nằm cao hơn so với một số nơi ở huyện Bác Ái nên khí hậu khá mát mẻ, thích hợp cho việc trồng cây ăn quả. Nghĩ vậy nên tôi quyết định đưa các giống cây có giá trị kinh tế cao như bơ sáp, bơ BOSS, bưởi da xanh, mãng cầu dai, đu đủ về trồng, đến nay các loại cây ăn quả đã cho thu hoạch, thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng.
Đồng chí Chamaléa Nhiên, Chủ tịch UBND xã Phước Thành, cho biết: Thời gian qua, việc chuyển đổi các loại cây trồng ngắn ngày sang các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao trên đất dốc và áp dụng các mô hình tưới tiết kiệm nước đã phát huy hiệu quả rõ rệt, qua đó giúp giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho bà con; đồng thời, giúp cân bằng hệ sinh thái và tăng độ che phủ rừng, chống xói mòn. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân nhân rộng mô hình chuyển đổi cây trồng có hiệu quả kinh tế cao.
Cũng như xã Phước Thành, những năm qua, nhờ sự quan tâm của Nhà nước trong đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất đã giúp xã Phước Bình trở thành điểm sáng của huyện Bác Ái trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Toàn xã đã phát triển vùng cây lâu năm có giá trị kinh tế cao với tổng diện tích 1.883ha; trong đó, bưởi da xanh 193ha, sầu riêng 49,8ha, chuối 701ha, điều, cà phê, chôm chôm 900ha. Bằng việc phát huy tiềm năng, thế mạnh về điều kiện thổ nhưỡng cùng với định hướng của chính quyền địa phương trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách hiệu quả với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao đã giúp người dân nâng cao thu nhập. Chị Katơr Thị Ghín ở thôn Gia É, chia sẻ: Thời gian qua, nhờ xã vận động bà con chuyển đổi cây trồng truyền thống như bắp, đậu sang trồng bưởi da xanh, sầu riêng... để phát triển kinh tế gia đình nên gia đình tôi mạnh dạn chuyển 5 sào đất để trồng bưởi da xanh, nhờ đó giúp kinh tế của gia đình phát triển ổn định, vụ bưởi vừa rồi gia đình thu lãi trên 40 triệu đồng.
Nông dân Bác Ái nâng cao thu nhập nhờ chuyển đổi sang trồng cây ăn quả. Ảnh: K.Hân
Đồng chí Phạm Phùng Bảo Châu, Chủ tịch UBND xã Phước Bình cho biết: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa làm thay đổi tập quán canh tác nhỏ lẻ của bà con, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng bền vững. Qua đó, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở địa phương và từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, nhiều hộ dân đã vươn lên làm giàu. Trong thời gian tới, xã tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tiềm năng và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Tập trung phát triển vườn cây ăn quả gắn với du lịch sinh thái vườn, góp phần xây dựng thương hiệu trái cây Phước Bình.
Đồng chí Ngô Thanh Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Bác Ái cho biết: Trên địa bàn huyện Bác Ái hiện nay có các sản phẩm đặc thù có giá trị kinh tế cao như: Bưởi da xanh, bơ, sầu riêng, chuối hột mồ côi, dưa lê, dưa lưới và nhiều sản phẩm khác có tiềm năng rất lớn, diện tích rộng, năng suất cao và chất lượng sản phẩm rất tốt, nhờ đó được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Hiện toàn huyện đã có 6 sản phẩm OCOP/5 chủ thể được công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh gồm: Rượu chuối mồ côi, bưởi da xanh, hạt chuối cô đơn, dưa lưới SunFarm, hạt điều Chapi, gạo Phước Chính. Thời gian tới, huyện tiếp tục rà soát, quy hoạch vùng trồng cây ăn quả tập trung ở những khu vùng có tiềm năng phát triển cây ăn quả. Bên cạnh đó, để tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm cây ăn trái, UBND huyện sẽ tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm gắn với xúc tiến du lịch. Phối hợp với Sở Công Thương quảng bá rộng rãi với người dân cả nước về sản phẩm đặc thù cây ăn quả của địa phương, bên cạnh đó sẽ đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm, góp phần giúp người dân yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
Kha Hân