UBND tỉnh họp nghe tiến độ lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án RECAF tỉnh Ninh Thuận

Sáng 17/10, đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp nghe Ban chuẩn bị dự án Tam nông giai đoạn 2 báo cáo tiến độ nghiên cứu khả thi Dự án “Giảm thiểu khí thải tại khu vực Tây nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu Chương trình hành động quốc gia REDD + tỉnh Ninh Thuận (Dự án RECAF Ninh Thuận).

Dự án RECAF Ninh Thuận được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất đầu tư tại Quyết định số 1312/QĐ-TTg ngày 9/11/2023 và HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 58/NQ-HĐND ngày 14/12/2023. Quy mô dự án bao gồm 3 hợp phần, dự kiến triển khai trên địa bàn 23 xã thuộc các huyện: Ninh Sơn, Bác Ái, Ninh Hải và Thuận Bắc, với tổng mức đầu tư 441,256 tỷ đồng, bao gồm vốn vay ODA, vốn viện trợ không hoàn lại, vốn đối ứng của ngân sách nhà nước. Mục tiêu của dự án nhằm hỗ trợ xây dựng và thúc đẩy chuỗi giá trị sản phẩm không gây mất rừng, đảm bảo thu nhập từ canh tác nông nghiệp cho người dân vùng dự án; đầu tư mới, cải tạo nâng cấp hạ tầng phục vụ sản xuất, làm tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và các hoạt động bảo vệ rừng.

 

Đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

Theo Ban chuẩn bị dự án Tam nông giai đoạn 2, hiện nay nhóm tư vấn thực hiện hỗ trợ kỹ thuật đã thực hiện hoàn thành công tác khảo sát, thu thập thông tin tại các sở, ban, ngành, địa phương; hiện trạng, chuỗi giá trị gắn liền, số lượng người dân hưởng lợi. Về phần thực hiện cơ sở hạ tầng đã hoàn thiện các bước khảo sát nội nghiệp, ngoại nghiệp, thiết kế bản vẽ, dự toán và đang thực hiện bước thuyết minh.

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án; đề nghị Ban chuẩn bị dự án Tam nông giai đoạn 2 cùng với nhóm đơn vị tư vấn khẩn trương rà soát, tổng hợp toàn bộ thông tin đã thu thập, trên cơ sở đó đưa vào báo cáo nghiên cứu khả thi đầy đủ các yếu tố về mặt nội dung, kỹ thuật và tuân thủ đúng theo trình tự, thủ tục quy định. Đồng thời, các địa phương cần lưu ý đánh giá lại thực trạng đất đai trên địa bàn và tận dụng đường ống từ hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, đề xuất hướng hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi phù hợp gắn với thị trường tiêu thụ để tạo sinh kế bền vững cho các đối tượng hưởng lợi từ dự án. Xây dựng kế hoạch, xác định mốc thời gian, thủ tục xây dựng các công trình. Phấn đấu đến đầu tháng 11 năm nay hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi để trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt.