Theo Cục Thống kê tỉnh, trong tháng 11/2023, sản xuất thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng, nhờ lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường dồi dào, đa dạng, phong phú và nhiều chủng loại đáp ứng nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của người dân.
Đồng chí Nguyễn Văn Hương, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho biết: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 11 đạt 3.251,4 tỷ đồng, tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, trong mức tăng chung (14,3% so với cùng kỳ), doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 2.420,6 tỷ đồng, nhờ trong tháng các doanh nghiệp kinh doanh thương mại và dịch vụ tổ chức bán hàng khuyến mãi trong dịp 20/11 và cuối năm đã tác động sức mua tăng. Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng tiêu dùng ổn định đã tác động nhu cầu về may mặc, đồ dùng tăng làm doanh thu một số ngành tăng so với cùng kỳ năm trước như: Vật phẩm, văn hóa, giáo dục tăng 22,15%; đồ dùng gia đình tăng 37,61%... Về doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống trong tháng 11 đạt 547 tỷ đồng, nhờ lượng khách quốc tế tăng và nhu cầu ăn uống của người dân ngày càng tăng, góp phần làm doanh thu hoạt động nhà hàng tăng 20,66%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 1,3 tỷ đồng, tăng 1,2% tháng trước và tăng 12,2% so với cùng kỳ. Riêng doanh thu dịch vụ khác đạt 282,5 tỷ đồng, do các dịch vụ giáo dục, y tế tăng, nhu cầu vui chơi, giải trí tăng đã góp phần làm dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 18,77%; dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 18,69%; dịch vụ giáo dục tăng 6,52%; dịch vụ khác tăng 13,77%.
Người tiêu dùng chọn sản phẩm tại Siêu thị Co.opMart Thanh Hà.
Kết quả trên đã tác động đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 11 tháng năm 2023 đạt 34.712,1 tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 36,6%). Xét theo ngành hoạt động, trong 11 tháng năm nay, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 26.369,1 tỷ đồng, chiếm 76,0% tổng mức và tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 28,4%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 26%; may mặc tăng 21,5%; lương thực, thực phẩm tăng 8,9%; phương tiện đi lại tăng 6,7%. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 5.412,7 tỷ đồng, chiếm 15,6% tổng mức và tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 14 tỷ đồng, chiếm 0,04% và tăng 114,3%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 2.916,3 tỷ đồng, chiếm 8,4% và tăng 19,6%.
Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), trong tháng 11 giá nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng, đặc biệt giá gạo tăng mạnh do giá gạo xuất khẩu tăng; giá đồ dùng gia đình, thuê nhà ở và giá gas tăng góp phần làm cho chỉ số CPI tăng 0,64% so với tháng trước và tăng 4,20% so với cùng kỳ năm trước. Theo phân tích của Cục Thống kê tỉnh, trong mức tăng 0,64% của chỉ số CPI tháng 11, so với tháng trước có 6/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có CPI tăng. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất với 1,86%, nguyên nhân do giá lương thực tăng mạnh 7,68% và giá thực phẩm tăng 1,69%. Tiếp đến nhóm may mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,57% do thời tiết giao mùa, nhu cầu tiêu dùng một số mặt hàng giữ ấm như áo len, áo gió tăng. Các nhóm: Đồ uống và thuốc lá tăng 0,09%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,07%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,05%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,02%.
Bên cạnh các yếu tố làm tăng CPI, Cục Thống kê cũng chỉ ra các yếu tố làm 2 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm CPI trong tháng 11/2023, đó là: Nhóm giao thông giảm 1,09%, nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước làm cho giá xăng giảm 3,47%; giá dầu diezel giảm mạnh 7,10%. Ngoài ra, giá vé tàu giảm 1,23% là nguyên nhân làm cho chỉ số giá ở nhóm này giảm so với tháng trước. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,60% do các nguyên nhân: Điện sinh hoạt giảm 2,64% do thời tiết hiện đang mát dịu, nhu cầu dùng máy lạnh các hộ gia đình giảm; nước sinh hoạt giảm 0,5% do trong tháng mưa nhiều, nhu cầu dùng nước sinh hoạt và tưới hoa, cây cảnh giảm; dầu hỏa giảm 5,55% so với tháng trước do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 1,83%. Đối với 3 nhóm còn lại, gồm: Nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính, viễn thông và nhóm giáo dục có chỉ số CPI ổn định. Tính chung 11 tháng, CPI bình quân tăng 4,58% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, ước trong năm 2023 tổng kim ngạch đạt 210 triệu USD, tăng 1,7% so cùng kỳ, nhưng chỉ đạt 84% kế hoạch. Mặc dù trong năm 2023, mặt hàng nhân điều có sự phục hồi rõ nét hơn, ước đạt 30 triệu USD tăng 43,5% so cùng kỳ. Bên cạnh đó, trong năm phát sinh 3 sản phẩm xuất khẩu mới là: Thú nhồi bông, đá xây dựng, cá nục đã qua chế biến đông lạnh, tuy nhiên kim ngạch chưa cao. Do đó, tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm chỉ ước đạt 130 triệu USD, tăng nhẹ 0,5% so cùng kỳ, đạt 87% kế hoạch. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong năm 2023 gồm: Thủy sản ước đạt 67 triệu USD, giảm 15,4% so cùng kỳ 2022, do thị trường xuất khẩu thủy sản chủ lực như: Mỹ, Đức, Nhật Bản, có nền kinh tế bị ảnh hưởng mạnh bởi các cuộc sung đột vũ trang, lạm phát tăng cao, người dân thắt chặt chi tiêu, làm cho sức mua giảm mạnh; các mặt hàng khác ước đạt 33 triệu USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ 2022.
Linh Giang