Đồng chí Nguyễn Thành Phú, Chủ tịch UBND Tp. Phan Rang-Tháp Chàm cho biết: Để TM-DV vụ phát triển, phù hợp quy hoạch chung của tỉnh và đáp ứng yêu cầu tình hình mới, đầu năm 2021, Thành ủy Phan Rang-Tháp Chàm đã xây dựng, ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về phát triển ngành TM-DV Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, cốt lõi là phát triển đô thị du lịch (DL) giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết đề ra, UBND thành phố đã xây dựng, ban hành các kế hoạch, chỉ đạo các địa phương, các đơn vị thực hiện với quyết tâm, đồng thuận cao nhất. Để đạt được mục tiêu đề ra, thành phố tập trung huy động các nguồn lực thu hút đầu tư, đẩy mạnh các công trình, dự án, nhất là các công trình, dự án phát triển khu đô thị mới, khu dân cư nhằm phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Bên cạnh đó, khẩn trương hoàn thành các quy hoạch phát triển mạng lưới thương TM-DV, DL; trong đó tập trung phát triển hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, nâng cấp hệ thống chợ truyền thống, các khu nghĩ dưỡng; xây dựng, nâng cấp, mở rộng các khu vui chơi, giải trí … Theo quy hoạch, đến năm 2025, đất sử dụng cho TM-DV là 93ha, tăng 14,2ha so với năm 2020; đến năm 2030 là 119ha.
Khách hàng thanh toán tiền tại siêu thị Coop Mart Thanh Hà. Ảnh: Văn Nỷ
Ngoài ra, thành phố tích cực đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (DN) theo tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ. Đẩy mạnh các giải pháp tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, phát triển thương mại điện tử, quản lý nhà nước về các hoạt động TM-DV... Phối hợp các ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch; khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi các DN dịch vụ DL hoạt động, mở rộng quy mô, đa dạng hóa loại hình dịch vụ nhằm thu hút du khách...
Nhờ thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp, TM-DV trên địa bàn thành phố những năm qua ngày càng phát triển. Đặc biệt, trong giai đoạn 2021-2022, mặc dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng cộng đồng các DN đã nỗ lực vượt qua khó khăn, phục hồi, duy trì và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội. Số DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực này tiếp tục phát triển về số lượng, nâng cao về năng lực. Trên lĩnh vực thương mại, ngoài hệ thống chợ truyền thống, trên địa bàn thành phố hiện có 6 siêu thị gồm 2 siêu thị tổng hợp, 4 siêu thị chuyên doanh, 10 siêu thị mini Vimart+; 6 cửa hàng tiện lợi của chuỗi Bách hóa xanh... Tính đến nay, thành phố có khoảng 1.700 DN; 16.052 cơ sở hộ kinh doanh cá thể hoạt động trên các lĩnh vực. Hoạt động phân phối hàng hóa phát triển mạnh, nhiều cửa hàng, cơ sở của các tổng công ty, đại lý và nhà phân phối lớn phát triển nhanh nên hàng hóa phong phú, đa dạng về chủng loại, giá cả, chất lượng ngày càng cao hơn, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.
Chợ đêm du lịch Ninh Thuận, điểm vui chơi, giải trí của du khách về đêm. Ảnh: Mỹ Dung
Ngành dịch vụ tiếp tục phát triển cả về quy mô và loại hình, đặc biệt là dịch vụ DL. Hiện trên địa bàn thành phố có 139 cơ sở lưu trú, với hơn 2.555 phòng buồng, trong đó có 5 cơ sở đạt chuẩn 3 sao trở lên. Năm 2022, thành phố đón 1.680.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế trên 10.500 lượt; thu nhập xã hội từ hoạt động DL đạt 980 tỷ đồng; trong 9 tháng năm 2023, đón 1.650.000 lượt du khách, trong đó khách quốc tế ước đạt 9.000 lượt, thu nhập xã hội từ hoạt động DL ước đạt 1.350 tỷ đồng. Các loại hình dịch vụ: Tài chính-ngân hàng, vận tải, bưu chính-viễn thông... khá sôi động không chỉ đóng góp tăng trưởng ngành dịch vụ mà còn phục vụ đắc lực cho phát triẻn kinh tế-xã hội của địa phương. Trong 9 tháng năm 2023, giá trị sản xuất TM-DV ước đạt trên 5.636 tỷ đồng, tăng 11,1% so cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt trên 19.649 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ.
Để đẩy mạnh phát triển TM-DV, thời gian tới, thành phố tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để nâng cao các tiêu chí đô thị loại II; thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ TM-DV, đưa Phan Rang-Tháp Chàm trở thành đô thị DL và thành phố thông minh. Thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển TM-DV; khuyến khích DN đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng sản phẩm DL. Đẩy mạnh thông tin quảng bá, xúc tiến đầu tư; xây dựng môi trường DL thân thiện, hấp dẫn. Quan tâm bảo vệ cảnh quan, môi trường, đặc biệt khu vực ven biển, ven Sông Dinh. Tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để phát triển các loại hình dịch vụ như: Dịch vụ y tế, giáo dục, bảo hiểm, tư vấn pháp lý, bất động sản, xây dựng, viễn thông, nhà hàng khách sạn; xây dựng, hình thành và nâng cao hiệu quả hoạt động các khu, tuyến phố ẩm thực, khu phố đi bộ, Chợ Đêm du lịch... góp phần thúc đẩy TM-DV, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu mà Nghị quyết 03 đã đề ra.
Uyên Thu