Kết quả sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 55), tháng 5/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 239-KH/TU chỉ đạo các sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể tỉnh, lãnh đạo các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tổ chức tuyên tuyền, phổ biến, quán triệt thực hiện Nghị quyết 55 đến tất cả cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh, nhằm tạo sự đồng thuận xã hội trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.

Đặc biệt, để cụ thể hóa Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đúng theo lộ trình, tháng 1/2022, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TU về xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng (NL), năng lượng tái tạo (NLTT) của cả nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 20), trong đó xác định: Phát triển NL,NLTT là trụ cột, động lực và một trong những ngành đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh; khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về phát triển NL, nhất là NLTT, góp phần đảm bảo an ninh NL, thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh, bền vững, bảo đảm quốc phòng-an ninh, nâng cao đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái; tập trung phát triển đồng bộ sản xuất điện, hạ tầng truyền tải điện, phụ tải điện và các ngành phụ trợ,...; đảm bảo các điều kiện về nguồn lực, cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực... để xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm NL,NLTT của cả nước.

Điện gió Trung Nam (Thuận Bắc).

Mục tiêu Nghị quyết 20 của Tỉnh ủy đề ra, đến năm 2025 ngành NL đóng góp 22% GRDP và 29% tổng thu ngân sách của tỉnh, giải quyết 5,5% nhu cầu việc làm trong 4 ngành kinh tế trọng điểm; đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện tăng thêm khoảng 5.300MW, nâng quy mô công suất nguồn điện toàn tỉnh đạt 11.800MW; giải quyết 7,3% nhu cầu việc làm trong 4 ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh; đạt mục tiêu xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm NL,NLTT bền vững... Đồng thời, đề ra ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 55, Kế hoạch số 239-KH/TU ngày 26/5/2020 và Nghị quyết 20.

Kết quả sau gần gần 3 năm thực hiện Nghị quyết, toàn tỉnh đã thu hút đầu tư hoàn thành, đưa vào vận hành và hòa lưới 57 dự án điện gió (ĐG), điện mặt trời (ĐMT), thủy điện (TĐ), với tổng công suất 3.383,54MW. Trong đó, có 34 dự án ĐMT, với công suất 2.386MW; 12 dự án ĐG công suất 667MW; 11 dự án TĐ công suất 329MW; ngoài ra, còn có 286,4MW điện áp mái. Riêng giai đoạn từ năm 2020 đến tháng 6/2023 đã thu hút, đầu tư xây dựng, hoàn thành, đưa vào vận hành và hòa lưới 28 dự án ĐG, ĐMT, TĐ với tổng công suất tăng thêm 1.764,1/3760MW, đạt 49% mục tiêu và sản lượng điện đạt 11,02 tỷ kWh/10 tỷ kWh, đạt 110,2% kế hoạch. Trong đó: có 14 dự án ĐMT, với tổng công suất 1.083,8MW và sản lượng điện 5,85 tỷ kWh; 9 dự án ĐG, với tổng công suất 549,7MW và sản lượng điện là 3,07 tỷ kWh; 5 dự án TĐ, với tổng công suất 130,6MW, với sản lượng điện 2,1 tỷ kWh.

Cùng với đó, tỉnh còn quan tâm khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng lưới truyền tải điện trên bàn, qua đó đã thu hút, đầu tư xây dựng, hoàn thành, đưa vào vận hành các công trình, dự án lưới điện truyền tải trọng điểm, góp phần giải toả công suất và truyền tải liên vùng như: Trạm biến áp cấp điện áp 220kV và 110kV; đường dây 500kV; 220kV và 110kV; đầu tư xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp các trạm biến áp, đường dây trung và hạ áp trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân tham gia đầu tư xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng đồng bộ hạ tầng truyền tải điện đường dây 500kV, 220kV và trạm biến áp 500KV Thuận Nam; sau khi dự án hoàn thành, đưa vào vận hành sử dụng đã giải tỏa tổng quy mô công suất trên 1.800MW, góp phần tháo gỡ “điểm nghẽn”, giải phóng công suất cho các dự án NL trên địa bàn tỉnh.

Nhà máy Điện mặt trời Thiên Tân Solar Ninh Thuận, xã Phước Trung (Bác Ái). Ảnh: V.M

Các dự án NL,NLTT sau khi hoàn thành đi vào hoạt động không chỉ góp phần đảm bảo an ninh NL quốc gia (tổng sản lượng điện năm 2022 của tỉnh đạt 7 tỷ kWh, chiếm 5,4% trong tổng sản lượng điện phát của NLTT cả nước 130 tỷ kWh), mà còn đóng góp lớn cho cho tăng trưởng chung của tỉnh, tạo động lực và đòn bẫy quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh phát triển bứt phá; đặc biệt trong 3 năm cuối nhiệm kỳ 2016-2020, đưa tỉnh Ninh Thuận vào nhóm các tỉnh có tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước (năm 2019 đạt 14,69%, năm 2020 đạt 10,38%). Tốc độ tăng GRDP giai đoạn 2016-2020 bình quân đạt 10,2%/năm, quy mô nền kinh tế tiếp tục được mở rộng, tăng gấp 2,16 lần năm 2015. Tỷ trọng ngành NL trong GRDP của tỉnh tăng dần qua các năm. Thu ngân sách tăng bình quân 12,8%/năm. Đặc biết, trong giai đoạn 2021-2025, mặc dù trong bối cảnh nhiều khó khăn, nhất là tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, làm suy giảm của tình hình thế giới và trong nước, ngành NL vẫn tiếp tục khẳng định là động lực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh, tỷ trọng ngành NL chiếm trên 21% trong GRDP và đóng góp lớn cho tăng trưởng chung của tỉnh; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân trong năm 2021-2022 đạt 8,91%; trong đó năm 2021 GRDP của tỉnh tăng 10,3% đứng thứ tư cả nước, đứng đầu vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung. GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 76,8 triệu đồng, cao hơn mức GRDP bình quân của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, rút ngắn nhanh khoảng cách chênh lệch so với cả nước từ bằng 71,7% năm 2020 tăng lên 80,3% năm 2022. Trong 6 tháng năm 2023 GRDP đạt 7,95% (xếp thứ 8/63 tỉnh thành cả nước và nhất vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung). Những kết quả đạt được trong thời gian qua đã thể hiện việc chuyển hướng chiến lược sang phát triển NLTT là đột phá là hướng đi đúng đắn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng “tăng trưởng xanh”, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị; đồng thời, để khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về phát triển NLTT, thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển KT-XH của tỉnh trong thời gian tới, tỉnh kiến nghị trung ương quan tâm chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam sớm đầu tư xây dựng các công trình lưới điện truyền tải 500kV, 220kV theo Quy hoạch điện VIII để giải phóng công suất các dự án điện trên địa bàn. Rà soát, sớm ban hành các cơ chế, chính sách và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về giá điện, đấu thầu, đấu giá, đầu tư hạ tầng truyền tải làm cơ sở triển khai thực hiện, góp phần bảo đảm quy hoạch sớm thực thi theo lộ trình đề ra. Đồng thời, quan tâm phân bổ cho Ninh Thuận khoảng 2.000MW/6.000MW điện gió ngoài khơi trong giai đoạn 2021-2030 của Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII làm cở sở để tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả tích cực tiềm năng và lợi thế về NL,NLTT, tạo động lực lan tỏa thúc đẩy tăng trưởng các ngành kinh tế khác, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, là kết quả rõ nét việc hiện thực hóa Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.