Nhiều lĩnh vực kinh tế của tỉnh chuyển biến tích cực

Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 trong bối cảnh có nhiều khó khăn thách thức, nhưng với tinh thần chủ động trong chỉ đạo, điều hành, UBND tỉnh đã bám sát các nghị quyết của Chính phủ, của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh để tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp. Nhờ đó, đến cuối tháng 9, các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực, góp phần đưa tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 8,67% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong mức tăng chung của nền kinh tế, khu vực công nghiệp (CN) - xây dựng có chỉ số tăng cao nhất với 14,67% đóng góp 4,77 điểm phần trăm. Trong đó, ngành CN tăng 13,84% so với cùng kỳ năm trước, gồm: Ngành khai khoáng tăng 64,40%, đóng góp 0,51 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; ngành CN chế biến, chế tạo tăng 4,31%, đóng góp tăng 0,18 điểm phần trăm; ngành CN sản xuất và phân phối điện, khí đốt... tăng 14,10%, đóng góp tăng 2,36 điểm phần trăm. Kết quả trên góp phần đưa chỉ số sản xuất toàn ngành CN 9 tháng năm 2023 ước tăng 11,12% so với cùng kỳ năm trước. Một số sản phẩm CN chủ yếu có chỉ số tăng so với cùng kỳ, gồm: Đường RS tăng 50,6%; hạt điều khô tăng 38,3% do số lượng đơn đặt hàng tăng ở thị trường Trung Quốc; muối biển tăng 24,8% do thời tiết thuận lợi, nắng nhiều; quần áo các loại tăng 13,9% (chủ yếu tăng trong 6 tháng đầu năm); điện sản xuất tăng 11,1% (trong đó, điện gió tăng 48,9%; điện mặt trời tăng 5,7%), các dự án năng lượng chuyển tiếp phát huy năng lực mới trong quý III/2023.

Công nhân Nhà máy Điện mặt trời Mỹ Sơn kiểm tra chất lượng các tấm pin. Ảnh: CTV

Góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế của tỉnh trong 9 tháng còn phải kể đến đó là, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản. Trong 9 tháng, giá trị sản phẩm của toàn ngành tăng 4,30%, đóng góp 1,30 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp tăng 3,86% so với cùng kỳ năm trước; lâm nghiệp tăng 9,63%. Riêng lĩnh vực thủy sản tổng sản lượng ước đạt 123,3 nghìn tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 8,2 nghìn tấn, tăng 5,1%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 115,1 nghìn tấn, tăng 1,7%; sản lượng giống thủy sản đạt 33,5 tỷ con, tăng 7,7%...

Hoạt động sản xuất thương mại, dịch vụ tiếp tục tăng trưởng khả quan. Tính chung 9 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 28.345,8 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm nay ước đạt 21.646,2 tỷ đồng, chiếm 76,4% tổng mức và tăng 13,4% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: ngành hàng vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 29%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 27,5%; may mặc tăng 26,9%; lương thực, thực phẩm tăng 9,5%; phương tiện đi lại tăng 9,2%. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 4.330,6 tỷ đồng, chiếm 15,3% và tăng 33,4%. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 11,5 tỷ đồng, chiếm 0,04% và tăng 166,6%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 2.357,5 tỷ đồng, chiếm 8,3% và tăng 22,6%.

Đối với hoạt động xuất khẩu, trong 9 tháng năm 2023 trên địa bàn tỉnh đã có thêm một số doanh nghiệp xuất khẩu mới như: Thú nhồi bông (xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản), doanh nghiệp gia công hàn may mặc, xuất khẩu đá xây dựng, bên cạnh đó trong tháng 9, Công ty Phú Thủy có xuất thêm một mặt hàng mới là cá nục gai phi lê tẩm bột... Tuy kim, ngạch xuất khẩu các mặt hàng này chưa cao, cộng với một số nguyên nhân khách quan như: Lạm phát tăng, các chi phí về logistics tăng cao gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Do đó, tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh chỉ ước đạt 81,5 triệu USD, giảm 17,3% so với cùng kỳ năm trước và đạt 62,7% so kế hoạch (130 triệu USD). Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu, gồm: Thủy sản ước đạt 46 triệu USD; nhân điều ước đạt 12,9 triệu USD, tăng 18,3%; các mặt hàng như khăn lông, thạch nha đam... ước đạt 22,7 triệu USD...

Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm tại Siêu thị WinMart.

Về mặt bằng giá, so với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tỉnh trong tháng 9/2023 tăng 0,65%. Cụ thể, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 7 nhóm hàng có chỉ số giá tăng, trong đó: Nhóm giao thông có chỉ số tăng cao nhất với 1,24%, góp phần làm CPI chung tăng 0,1 điểm phần trăm. Tiếp đến nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,12%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,83%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,34%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,22%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,14%; nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,05%. Bốn nhóm còn lại gồm: Nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông; nhóm giáo dục và nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có chỉ số giá không thay đổi.

Đồng chí Nguyễn Văn Hương, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, cho biết: Qua phân tích tốc độ tăng GRDP 9 tháng năm 2023 cho thấy, tốc độ tăng GRDP của tỉnh khá ổn định (cao hơn mức bình quân chung cả nước), từ mức tăng 7,85% của 6 tháng đầu năm đã tăng lên 8,67% vào thời điểm tháng 9, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố và xếp 3/14 tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Đặc biệt, trong quý III/2023, hoạt động CN có các dự án năng lượng chuyển tiếp phát huy năng lực mới, cùng với khai thác muối biển và hoạt động xây dựng tăng góp phần đưa khu vực II (CN, xây dựng) đạt mức tăng cao 22,28%... Về cơ cấu GRDP 9 tháng năm 2023: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 28,8%; khu vực CN và xây dựng chiếm 38,6%; khu vực dịch vụ chiếm 28,0%; thuế sản phẩm chiếm 4,6%. Điều đó cho thấy các giải pháp điều hành kinh tế của tỉnh ngày càng phát huy hiệu quả.