Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh

Thời gian qua, Sở Công Thương tập trung, chủ động thực hiện nhiều giải pháp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, kịp thời giải quyết nhanh, đầy đủ các vấn đề khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp (DN), nhằm góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ, ngành Công Thương đã và đang thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả hỗ trợ DN nhằm góp phần nâng cao chỉ số PCI của tỉnh. Cùng với đó, đơn vị thường xuyên rà soát đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc hủy bỏ những quy định về thủ tục hành chính (TTHC) không cần thiết, không phù hợp, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh. Phối hợp với các sở, ngành tham gia hội nghị đối thoại với nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh qua đó tổng hợp báo cáo kiến nghị, đề xuất với UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết các nội dung thuộc thẩm quyền quản lý, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, Sở Công Thương bố trí cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu chuyên môn, có tinh thần thái độ phục vụ nhiệt tình tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện các TTHC; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hiện đại hóa nền hành chính, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, sử dụng chữ ký số, số hóa tài liệu, hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục. Qua đó, triển khai cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 ở một số lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết. Tính đến hết tháng 7/2023, Sở đã tiếp nhận 13.891 hồ sơ, trong đó có 13.699 hồ sơ được tiếp nhận bằng hình thức trực tuyến, chiếm 99%. Đồng thời, tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức về tính pháp lý, lợi ích của việc sử dụng kết quả giải quyết TTHC điện tử, nhằm xây dựng nền nếp làm việc văn hóa, văn minh. Nhằm giúp DN tiếp cận khách hàng và quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định cho các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh. Sở Công Thương hướng dẫn các DN, cơ sở kinh doanh tham gia vận hành sàn thương mại điện tử với tên miền: sanphamninhthuan.vn và đã có 62 cơ sở, DN tham gia với 257 sản phẩm, trong đó 123/134 sản phẩm OCOP.

Công chức Sở Công Thương giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: H.Nguyệt

Theo đánh giá, năm 2022, điểm số của chỉ số chính sách hỗ trợ DN tỉnh đạt 5,52 điểm, tăng 0,45 điểm và tăng 13 bậc so với năm 2021, đứng thứ 48/63 tỉnh, thành phố thuộc nhóm 7/10 chỉ số thành phần tăng điểm và thứ hạng. Trong đó, có một số chỉ tiêu tăng mạnh điểm và thứ hạng như: Tỷ lệ nhà cung cấp dịch vụ tư nhân và nước ngoài trên tổng số nhà cung cấp dịch vụ tăng 26% điểm số và tăng 30 bậc so với năm 2021; thủ tục để được miễn, giảm chi phí tư vấn thông tin thị trường khi sử dụng dịch vụ tư vấn thuộc mạng lưới tư vấn viên của cơ quan nhà nước dễ thực hiện tăng 28% điểm số và tăng 34 bậc so với năm 2021; thủ tục để được miễn, giảm chi phí tham gia các khóa đào tạo có sử dụng ngân sách nhà nước về khởi sự kinh doanh và quản trị DN dễ thực hiện tăng 36% điểm số và tăng 56 bậc so với năm 2021; tỷ lệ DN có biết đến các chương trình hỗ trợ DN tận dụng cơ hội của các FTAs tăng 31% điểm số và tăng 51 bậc so với năm 2021;...

Đồng chí Trần Quốc Sanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Thời gian qua, ngành đã nỗ lực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, góp phần nâng cao hiệu quả hỗ trợ DN nhằm nâng cao chỉ số PCI của tỉnh. Tuy nhiên, công tác hỗ trợ DN trong khuôn khổ Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa được đẩy mạnh nhưng chưa sâu rộng một phần là do nguồn lực của tỉnh còn hạn chế, chủ yếu ưu tiên cho các dự án cấp thiết; hoạt động bảo lãnh tín dụng tiềm ẩn nhiều rủi ro, một số DN hoạt động thua lỗ, không trả được nợ vay bảo lãnh cho ngân hàng thương mại; quy mô DN trong tỉnh chủ yếu là DN nhỏ và vừa nên dễ bị tác động. Nhưng nguyên nhân chính vẫn là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và tình hình bất ổn giữa các nước trên thế giới nên hoạt động của DN càng khó khăn hơn.

Để thực hiện tốt việc hỗ trợ DN, cải thiện môi trường kinh doanh, trong thời gian tới Sở Công Thương sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp, rà soát các TTHC, hoàn thành Kế hoạch nhiệm vụ ngành năm 2023. Trong đó, chú trọng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đúng hạn các nhiệm vụ trọng tâm của ngành đã được UBND tỉnh giao ngay từ đầu năm. Tiếp tục rà soát các TTHC để giảm thời gian thực hiện, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, kịp thời giải quyết nhanh, đầy đủ các vấn đề khó khăn, vướng mắc của người dân, DN, góp phần đưa chỉ số PCI của tỉnh thăng hạng trong thời gian tới.